Thursday, 9 August 2012

COCHIN DU KÝ ( part 4) - The Chinese Fishing Net

Từ Singapore phải mất 4 tiếng đồng hồ mới bay đến Cochin, điều hối tiếc nhất trong chuyến đi này là Nguyên đã không mặc quần dài ! Chỉ vì ‘điệu’ nên chàng đã mặc quần short trong suốt thời gian đi từ VN qua Ấn và hậu quả là chàng cứ lạnh run lên dù đã xin thêm một cái mền để đắp.
   Từ sân bay quốc tế Cochin về khách sạn Nguyên thấy đường xá cũng hao hao những con đường liên tỉnh ở VN. Vài ngôi nhà lụp sụp, xen kẽ những mảnh vườn, thỉnh thoảng lại có một bến xe.
    Đến khách sạn Renaissance thì đã hơn 10 giờ tối. Thủ tục check in không biết lẫn lộn thế nào mà Nguyên ta lại không có phòng. Chàng mêt mỏi ngồi phượt ra chờ đợi người trưởng đoàn ‘làm việc’ lại với khách sạn. Ba mươi phút sau thì Nguyên cũng đút được cái thẻ từ vào khe cửa phòng mình. Chàng mệt mỏi ngả lưng lên giường nhắm mắt…chợt có tiếng gõ cửa và ai đó kêu : “ Anh ơi !” Nguyên bực dọc bò dậy mở cửa, hoá ra một cậu trong ban tổ chức cẩn thận mang cho Nguyên mượn cái ấm siếu tốc để chàng nấu nuớc sôi pha mì ! OK ! Cái vụ này hay à nha. Đang đói và mệt mà có tô mì nóng thì quá tốt. Nước chưa kịp sôi thì phòng Nguyên bỗng tối đen. Cúp điện. Nguyên mở cửa ra thì thấy có mỗi phòng mình bị cúp thôi. Thật là xui xẻo. May có nhân viên khách sạn ngay đó, họ kêu kỹ thuật viên lên sửa một chút là có điện lại. Chưa kịp mừng thì “bụp” đện lại tắt ngóm. Họ lại hí hoáy và vài phút sau thì ánh sáng lại chan hoà. Nhân viên KS chưa dám bỏ đi ngay vì họ thắc mắc không biết tại sao chỉ có phòng Nguyên mới bị cúp điện. Họ không biết nhưng Nguyên biết, đó chính là do cái ấm điện siêu tốc ! Nó bị chạm mạch hoặc công suất quá cao khiến cho ‘cầu chì’ tự ngắt. Đây là kinh nghiệm quý báu hồi Nguyên đi học ở Ký Túc Xá. Một lần cả bọn lén cắm bếp điện để nướng khô mực, ai dè cái bếp bị chạm khiến cầu chì nổ làm cả dãy lầu tối thui. Sau đó bảo vệ đi kiểm tra từng phòng là Nguyên phải kiếm chỗ dấu cái bếp khốn khổ !
    Sáng hôm sau cả đoàn tập trung ăn sáng. Đúng như dự đoán, có rất nhiều món ăn Ấn, với các loại cà ry cay nồng. Các anh em trong đoàn đa số chọn trứng ốp la hay ốp lết. Món này ai cũng ăn được. Sau đó cả đoàn lên xe bus đi thăm các khu vực ‘di sản văn hoá’ tại khu Fort Cochin. Các điểm chính là : khu Do Thái với nhà thờ cổ, khu Hà Lan với một căn nhà do người Bồ Đào Nha xây nổi tiếng với các bức tranh tường vẽ các vị thần của đạo Hindu tuyệt đẹp, các lưới cá style China và nhà thờ thánh Francis.
   Tại Jew Town, nổi bật nhất là các tiệm bán vô vàn đồ thủ công mỹ nghệ tuyệt đẹp. Nguyên say mê nhìn ngắm nhưng vì mới qua nên ai cũng nhút nhát chưa dám mua sắm gì vả lại ở đây cũng không có quầy đổi ngoại tệ nên cũng chả có tiền mà mua sắm. Chính phủ Ấn Độ quả là chưa ‘bén’ trong chuyện này. Chứ ở Thái Lan, exchange ở khắp các khu phố chính và họ còn có cả xe đổi tiền lưu động phục vụ khách du lịch !  
     Đến giữa trưa thì cả đàn ghé vô một nhà hàng nhỏ cặp sát ven sông để dùng bữa. Ngồi ở đây có thể ngắm thuyền bè qua lại và hưởng cái mát của gió sông. Tình cờ Nguyên ngồi gần các bạn người  Kampuchea đi chung đoàn nên chàng cũng có không bỏ lỡ dịp giao lưu với các “nữ đồng nghiệp” ! Nguyên nhận thấy các đồng nghiệp VN thường ngồi co cụm lại với nhau, trong khi anh em nước bạn có vẻ ‘open’ hơn. Họ hay chủ động chạy lại bắt tay chào hỏi và ‘xin’ chụp hình chung ! Nguyên bày cho các bạn Kampuchea cái trò : “ Một, hai , ba …. Dzôôô !!!” khiến cả đoàn cười ngất. Bia Ấn thường chỉ có hiệu Kingfisher, độ cồn cao hơn bia 333. Có ba loại chai : nâu, xanh và trắng nhưng bên trong cũng chỉ chứa cùng một loại  bia !!! Ngoài ra còn có loại chai nhỏ theo tiêu chuẩn bia ‘Export’. Món ăn được nêm hơi mặn, cà ry ở đây rất ngon với đủ loại càry rau quả, càry đậu, càry cá, càry bò. Món ăn ngon và bia say say làm mọi người thích thú chuyện trò và cùng chờ đợi khám phá những điều mới lạ …
   Sau khi ăn trưa, mọi người lục tục kéo nhau lên xe đi ra biển. Sau khi đi dọc một quãng trên bãi biển, Nguyên thấy hiện ra một dãy những cái 'vó' rất to dùng để bắt cá. Theo sử sách thì loại lưới bắt cá này do người Trung Hoa du nhập vào Ấn Độ từ thời Kublai Khan.

Bờ biển ở đây giống như một công viên lớn, ngưoi ta đến để đi dạo, ngắm cảnh hay ngắm một cái gì đó như mấy anh chàng này.

Dọc theo bãi biển, các ngư dân đang gỡ lưới , xa xa chính là các Chinese Fishing Net.

Ngoài ra còn có các quầy hàng nhỏ bán cá tươi. Các loại tôm cá ở đây cũng tương tự ở VN.



Những ngư dân nghỉ ngơi hay bán cá trong những túp lều nhỏ. Nhìn những ngư dân đen đúa, tay vác lưới, mồm phì phèo thuốc lá  vừa đi vừa chuyện trò, Nguyên tự hỏi : " Chẳng biết sống giữa thành đô sang trọng tiện nghi có chắc hạnh phúc hơn nếp sống thôn dã, đạm bạc này ? "

  

Nguyên bâng khuâng nhìn nước chảy và lũ quạ đang bay nhảy khắp nơi. Ở đây quả thật phải gọi là xứ quạ mới đúng, quạ to lông đen bóng hiện diện ở khắp nơi.

 

Chàng thơ thẩn nhìn những con thuyền nằm yên bên đống lưới và nhớ về một miền biển thân yêu nơi quê nhà ...



 

No comments:

Post a Comment