Tuesday, 7 August 2012

PLEIKU - MỘT CHUYẾN ĐI


Ngày… tháng… năm
TÂN SƠN NHẤT
Hôm nay tôi lên đường đi Pleiku với một tâm trạng không mấy phấn khởi vì nhiều lý do. Thứ nhất đây là một chuyến công tác chứ không phải một kỳ nghỉ, thứ nhì khi ra đi như vậy tôi còn biết bao chuyện phải giải quyết ở Saigon và cuối cùng trước khi đi tôi đã tham khảo từ một quyển sách chuyên về du lịch thì hỡi ơi Pleiku được mệnh danh là ‘một lỗ hổng về du lịch’ của miền cao nguyên trung bộ. Chuyến bay khởi hành lúc 6 giờ 15 nên tôi có mặt ở phi trường lúc 5 giờ 15. Sau khi làm thủ tục check-in mà vẫn còn sớm, tôi vào khu vực ăn uống để lo cho cái bao tử của mình. Trong thực đơn chỉ có hai món cho hành khách lựa chọn – bánh mì ốp la và phở. Tôi chọn món thứ nhất vì đây là món khó có thể làm dở được, còn phở ở những chỗ quốc doanh thì thà ăn mì gói còn ngon hơn, ngoài ra tôi liếc nhìn các bàn quanh mình thì thấy phở được thưởng thức ở mức độ còn thừa nửa tô khá nhiều. Sáng nay dậy sớm nên cặp mắt cứ muốn sụp xuống, tôi nạp thêm chút caffein cùng với chút nicotine, hai thứ này làm tôi tỉnh táo hẳn. Điều đáng khen ở phi trường là các hành khách nào muốn hút thuốc xin mời vào một nhà kính cách ly, vừa rít thuốc của mình vùa được hít thêm khói của những bạn ghiền xung quanh. Nắng bắt đầu lên, không khí bắt đầu sinh động hơn với tiếng loa gọi hành khách vang vang bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Hành khách người Pháp hay Ả Rập thì sao nhỉ ? Nhìn qua cửa kiếng xuống phi đạo thấy cảnh vật vẫn như thuở nào, hoang vắng với vài ba chiếc máy bay , cũ kỹ với những hangar xám xịt xây dựng từ thời chiến tranh. Một tấm ảnh chụp phi trường hôm nay cũng y hệt như chụp mười năm trước. Thỉnh thoảng lại thấy vài chiếc Honda bé tí xẹt qua xẹt lại. Sự náo nhiệt được tăng thêm bởi tiếng máy bộ đàm léo nhéo liên tục từ chỗ các nhân viên kiểm soát thẻ lên tàu. Chỉ có ba chuyến bay vào sáng sớm nay mà không khí rộn ràng làm sao ! Sau khi nghe khoảng 50 mẫu câu mời hành khách ra cửa (giống như nghe băng học anh văn Streamline) tôi nhận được thông báo chyến bay đi Pleiku sẽ bị hoãn lại vì thời tiết xấu tại nơi đến. Đang buồn buồn đi tới đi lui tôi chợt nghe lời xin lỗi dành cho quý khách đi Dalat – xin mời ra cửa số 3 thay vì cửa số 10 như đã được thông báo. Một đám hành klhách lại láo nháo di chuyển. Có 3-4 chuyến bay quốc nội mà náo nhiệt y như sân bay quốc tế Charles De Gaules! Sau cùng thì máy bay cũng rời phi đạo lúc 7 giờ. Trên máy bay tôi nạp thêm coca và đọc báo, chợp mắt vài phút tự hỏi không biết anh bạn đồng nghiệp bên bộ môn Sản có cùng đi trên chuyến bay này không
Ngày … tháng ….năm…
PLEIKU
Đúng 8 giờ máy bay đến Pleiku. Khi nghe thông báo nhiệt độ bên ngoài là 22 độ tôi mừng húm vì Saigon đang nóng chảy mỡ. Trời vừa ngớt mưa, bầu trời xám nhưng không đến nỗi tối tăm lắm. Phi trường tỉnh lẻ nào cũng na ná như nhau. Phòng đợi be bé xinh xinh, hành khách chen nhau lấy hành lý do các nhân viên quăng lên một cái bục gỗ. Không thấy dán các poster quảng cáo du lịch gì cả, đích thị đây là ‘lỗ hổng’ rồi. Bên ngoài các bác tài taxi, xe ôm đứng lóng nhóng tìm mối. Với đôi mắt trinh sát tôi scan ngay một tên đầu bạc, đeo kính cận dày cộp như đít chai, xách cặp táp của một hãng chuyên chế tạo thuốc ngừa thai, đích thị đây là tay bác sĩ sản khoacông tác cùng tôi chuyến này. Sau đó hai đưá thuê một chiếc taxi về bệnh viện tỉnh Gia Lai. Tiết kiệm được 25000 mỗi tên !
          Đi khoảng hơn 10 phút thì đến bệnh viện. Nhìn từ xa bệnh viện trông khá bề thế và chơi gamme màu thật warm y như đất đỏ badan của miền cao nguyên. Nhờ ‘hot line’ từ taxi nên đến nơi đã thấy anh BS khoa ngoại lên đây bằng xe từ hôm qua đứng đón và hướng dẫn chúng tôi lên nhận phòng. Tôi và L. ở chung một phòng, căn phòng đơn sơ với 2 cái giường, bàn làm việc và tủ quần áo. Toilette thì phải đi ở bên ngoài. Sau đó chúng tôi đi chào BS giám đốc bệnh viện. Thế là tôi bắt đầu đợt công tác của mình .
Ngày … tháng …năm….
BIỂN HỒ
Hôm nay khoa nội nơi tôi làm việc xảy ra sự cố nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống cầu tiêu bị nghẹt từ tối không được sửa chữa kịp thời khiến nước dơ tràn ngập cả khoa và thấm cả xuống từng dưới, mùi hôi thối xông lên khiến tôi mắc ói quá chừng. Sau này điều tra nguyên nhân do một đồng bào dân tộc không có giấy nên bẻ lá cây thay cho ‘toilet paper’, sau khi sử dụng bèn nhét hết xuống cống gây nên hậu quả nhớ đời. Trước tình cảnh này tôi phải ‘di tản’ thôi. A lê ! Một balô, một tài xế xe ôm,  tôi bắt đầu chuyến du lịch nơi miền đất không có du lịch. Điểm đầu tiên là Biển Hồ, cách bệnh viện khoảng 10 km. Gọi vậy cho oai chứ nó nghiêng về phía hồ hơn là biển. Trông từa tựa như hồ Tuyền Lâm ở Dalat nhưng nhỏ bé hơn nhiều và nước không xanh bằng. Xung quanh hồ có trồng thông cũng dễ thương. Một cái lầu bát giác ở ven hồ để thiên hạ lên ngắm cảnh. Điều làm tôi ngạc nhiên là ở đây cũng bán vé vô cổng và cũng có vài du khách thẫn thờ đi tới đi lui vì cũng như tôi họ không biết làm gì ở chỗ này ngoài việc nhìn cái hồ đang cạn nước kia. Không lẽ chịu về không, tôi lấy cái tripode ra gắn máy ảnh lên và tự chụp cho mình một kiểu. Sau này rửa ra ai dè cũng đẹp ra phết. Trên đường về phát hiện hai cha con đi bắt cá dưới suối tôi kêu bác tài dừng lại để săn ảnh. Đứa bé trai độ 7-8 tuổi, da đen nhẻm, tay xách cái lờ tre đựng cá, mắt mở to nhìn người cha đang lặn lội rà cá. Rà hoài chả được con cá nào em bé có vẻ buồn, tôi chụp một kiểu sau này đặt tên tác phẩm là ‘Em bé Pleiku’. Trời đã trưa rồi, kiến bắt đầu bò bụng tôi nói bác tài ghé một chỗ nào có thịt rừng để cùng ăn trưa. Tội nghiệp bác tài nhà nghèo không rành hàng quán phải đi hỏi thăm đồng nghiệp mới biết đường đi. Nhà hàng xây dựng kiểu nhà sàn, nhìn ra cánh đồng đang trổ mạ xanh biếc. Chúng tôi kêu hai món :
-         Gỏi lá sách : lá sách đây là sách bò, luộc lên bóp gỏi với hành tây .
-         Chồn nướng : không có gì đặc sắc và da thì dai nhách.
Tuy nhiên không khí mát mẻ và phong cảnh thiên nhiên làm tôi ăn rất ngon miệng.

Ngày … tháng…. Năm ….
BUỔI GIAO BAN KHỦNG KHIẾP
           Tôi mặc áo blouse, đeo bảng tên và đi giầy vào lên khoa dự giao ban buổi sáng. Sau này thấy mọi người đi dép da tôi không đi giày nữa mà mang đôi dép nylon cho hoà đồng với anh em. Bắt đầu buổi giao ban BS trực đọc báo cáo tình hình bệnh nặng, sau đó BS trưởng khoa phổ biến công tác trong ngày. Cuối cùng anh ta nêu lên 2 chuyện quan trọng. Thứ nhất tất cả nhân viên phải nộp bài thu hoạch việc học tập nghị quyết 9, điều đáng nói ở đây là anh ta cho biết ai nộp hay không nộp bài thu hoạch sẽ được ghi nhận trong hồ sơ lý lịch gốc. Tôi không rõ đây là chuyện thật hay chỉ là hù nhân viên. Chuyện thứ hai anh ta than rằng ai đó trong khoa đã nói sai về số tiền thưởng mà BGĐ cho nhân viên khiến BGĐ trách anh phổ biến không đúng và anh giận dỗi kết luận rằng trong khoacó kẻ phá hoại., cần phải đề phòng. Giọng miền trung vốn đã hơi nặng, anh lại gằn giọng khiến không khí có vẻ gay gắt. Nghe tới đây tôi cứ tưởng như đang ở rừng Trường Sơn thời chống Mỹ.
          Đó là giao ban khoa, còn giao ban bệnh viện cũng bất ngờ không kém. Ngoài các báo cáo tình hình như thường lệ, BS giám đốc nêu lên 2 vấn đề nổi cộm. Thứ nhất, các BS không bảo đảm vị trí trực và nêu một điển hình chính là  BS phó GĐ trực lãnh đạo bệnh viện đang ngồi ngay bên cạnh ! Nhìn mặt ông phó tôi thấy hiện đầy vẻ ai oán. Vấn đề thứ hai là Ban Văn Xã của uỷ ban tỉnh phản ánh ý kiến  nhân dân cho rằng các BS còn bán thuốc tại phòng mạch và đề nghị các BS nâng cao đạo đức nghề nghiệp không được lo làm phòng mạch mà bê trễ công việc bệnh viện. Tôi thấy ở đây người dân có quyền ghê, đúng là dân chủ.
Ngày .. tháng …năm….
WORLD CUP
Không phải là một tín đồ của túc cầu giáo nhưng tôi buộc phải xem đá banh . Số là phòng tôi có cái TV 21’’ to hơn phòng anh T., BS khoa ngoại, nên anh ấy qua phòng tôi xem chung với tôi và L. Thấy hai bạn say sưa xem và lúc cao hứng lại hỏi tôi có hay không, mỗi lúc cầu thủ ghi bàn họ lại hét lên và hỏi tôi sao không la, thế là tôi cũng cố rú lên mỗi khi có cầu thủ sút vào lưới. Mùa World Cup này có lẽ tôi coi nhiều trận đá banh nhất từ trước đến giờ. Lên đây thực sự chúng tôi chả còn vướng bận gì chuyện gia đình, hay phòng mạch thành thử chúng tôi sống ‘vô tư’ lắm. Ăn thì ra quán, nếu trúng giờ có trận đấu thì coi luôn tại quán cơm. Hò hét bàn luận với ông chủ quán và các thực khách địa phương cũng vui ra phết. Hôm nào cao hứng tụi tôi con rủ nhau vô thành phố, cách BV khoảng 5 km, kiếm quán nào có TV vừa xem đá bóng vừa nhâm nhi cà phê hay lai rai vài chai bia.
Ngày … tháng …năm….
CHUYỆN ĂN UỐNG
Sáng thức dậy chúng tôi kéo nhau ra quán cơm trước bệnh viện ăn sáng. Món tâm đắc nhất của tôi là món bún bò nấu theo kiểu miền trung, khác với bún bò Huế ở chỗ nước trong hơn và vị thanh hơn vì bỏ ít mắm ruốc. Đời tôi có lẽ chưa bao giờ mình lại ăn sáng cùng một món trong một tuần lễ liên tiếp như thời gian ở đây. Sau khi ăn tô bún nóng , chúng tôi làm mỗi người một cốc café. Hương vị café rất thơm nhưng nước thường đặc sánh, hơi đậm đặc quá so với khẩu vị người thành phố. Một điều đáng nói là ly tách thường là loại rất rẻ tiền, xấu xí nên uống cũng không thích mấy.
Buổi trưa chúng tôi cũng ra đây ăn cơm. Thường là canh rau, thịt kho trứng… Tôi nhớ nhất món măng xào, loại măng rừng giòn và ngọt lịm. Người ta nói rằng khi mưa nhiều, măng le nhú lên có thể cầm ăn sống được.
Tuy nhiên tôi nhớ nhất các món sau đây :
-         Dê hấp : tuy tên gọi như vậy nhưng tôi phải tả kỹ các bạn mới thấy hạnh phúc đôi khi thật giản đơn. Dê lựa ngay phần bắp chuối xắt lát mỏng, miếng thịt màu nâu đậm xen kẽ thớ gân trong veo nhìn đã thấy ngộ rồi. Sau đó gắp miếng thịt bỏ lên một miếng lá mơ màu xanh tím phơn phớt lông bạc quấn tròn lại. Tất cả chấm vào một chút mắm ruốc Huế, điểm chút ớt rừng xanh xanh, cắn một miếng. Chao ơi vị nồng của lá mơ, mùi thơm béo của thịt dê non, vị mặn đậm đà của mám ruốc quyện vào nhau. Tôi lại đành cảm thán : ‘Hạnh phúc thật giản đơn’. Đã vậy nhưng chưa hết đâu, cứ vài miếng nhắm như vậy ta lại còn có thể cầm một củ sả non mướt nhấm nhấm vào để mùi thơm của sả thấm dần ra phụ thêm vào cái ‘hạnh phúc’ đang sẵn có kia.
-         Bò nướng lụi : thịt  bò quết nhuyễn uớp hành tỏi quấn quanh một củ sả đem nướng trên lò than. Ăn thơm phức và ngọt lịm, cái vị ngọt thịt chứ không phải của Ajinomoto. Sau này đi ăn tôi thường kêu thịt bò hay bê vì ở đây họ nuôi bò rất nhiều. ỞSaigon, 80-90% thịt bò được bày bán là thịt trâu.
-         Bê thui : cũng giống như bê thui ở Saigon nhưng có điểm khác là bê bán ở chợ Ong Tạ thì sắp thành bò rồi, còn bê ở đây đúng là tuổi nhi đồng, thành thử thịt mềm và ngọt. Xếp hạng có lẽ cũng sánh với món bê thui nổi tiếng ở Đà nẵng. Tuy nhiên ai người gốc Bắc cần nhớ ở miền Trung bê thui chấm với mắm nêm (mắm cái) thay vì với tương gừng.
-         Kỳ đà xào lăn : con kỳ đà dài hơn một thước, da lốm đốm như da rắn . Thịt gần giống thịt gà nhưng chắc hơn và nhiều gân hơn. Da nhai nghe sựt sựt .lai rai với vài xi rượu thuốc cũng khá thú vị.
Ngoài ra còn các món heo rừng, nai, mễn .. nhưng ấn tượng nhất là các món trên.
 Ngày … tháng … năm….
CHUYỆN BỆNH VIỆN
Bệnh viện được xây dựng chừng một năm nay với tổng số giường bệnh là 500-600 giường cho đủ mọi chuyên khoa. Thành phần bệnh nhân hơn phân nửa là đồng bào dân tộc. Tất cả các trường hợp đồng bào đều được miễn phí 100%. Cũng vì lẽ đó nên cơ số thuốc của bệnh viện cũng không được dồi dào lắm. Phương tiện xét nghiệm cũng mới chỉ ở mức cơ bản, có máy siêu âm và nội soi. Khi đi thăm bệnh tôi thấy các BS trong khoa hầu hết đều biết cách sử dụng thuốc tuy nhiên thời gian cần để ổn định một bệnh nhân nhất là những bệnh nhân nặng thường khá lâu. Tôi lựa ra vài ba bệnh nhân suy tim nặng và ‘demo’ thử, lẽ dĩ nhiên làm như vậy tôi có thể chịu nhiều rủi ro nếu tai biến xảy ra. Lật từng hồ sơ, tôi lần lượt bổ sung thuốc (mình lịch sự thêm vào chứ ai lại sỗ sàng cắt bỏ thuốc người ta cho). Cô BS thay mặt tôi để chuyển y lệnh cho các điều dưỡng cứ lo hoài khi tôi lần lượt đòi chích cho mỗi bệnh nhân vài phát và tăng gấp đôi liều các thuốc sẵn có. May thay sáng hôm sau tất cả bệnh nhân đều cải thiện rõ rệt. Lẽ dĩ nhiên là khi tiếp xúc với các bệnh nhân người dân tộc tôi cần có phiên dịch. Ánh mắt của họ làm tôi không bao giờ quên, dù đau bệnh nhưng ít khi thấy họ buồn rầu, mắt cứ mở to ngơ ngác, xa xôi, miệng thì cười cười. Có lẽ họ đã quen cam chịu với vất vả, đau đớn rồi.
Lúc rảnh tôi hay đi lang thang trong bệnh viện và hỏi thăm các bệnh nhân . Một bà mẹ tuổi chưa tới 30 da dẻ đen đúa, quấn xà rông địu một đứa bé chừng 2 tuổi, lẽo đẽo đi sau là một đứa bé tóc hoe vàng khét nắng, mặt mày lem luốc không biết là anh hay chị đứa kia và thêm một đứa em đang nằm trong bụng mẹ nó nữa. Tôi hỏi chồng cô đâu rồi, cô ta trả lời ‘Không biết! Nó đi mất rồi’. Mấy đứa nhỏ này thật ngộ nó không biết uống sữa mà lại thích ăn bánh mì. Một hôm khác tôi đi đến phòng cấp cứu thì thấy có hai người đàn bà một trạc 50 tuổi, người kia độ 30 chắc là hai mẹ con, đang ngồi trên băng đá trước cửa phòng. Trước mặt họ là một bó củi dài khoảng hơn một thước, kế bên là một cái ấm nhôm đun nước vừa đen vừa móp méo. Ngoài ra còn một cái bao bố đựng nồi niêu hay gạo muối gì đó. Họ cứ ngồi im lặng . Tôi hỏi ngồi đây làm gì thì họ cho biết có thằng em trèo cây bị té gãy chân. Tôi hỏi nó đâu rồi họ chỉ vào phòng CC. Tôi bước vào tính thăm thằng bé nhưng lạ thay giường nào cũng trống không. Thì ra đứa bé đã được đưa lên trại từ hồi nào còn hai mẹ con kia chả biết hỏi thăm gì cứ ngồi thẫn thờ chờ đợi. Thế là phải dắt họ lên tận khoa ngoại. Nhớ hoài cái lưng còng của bà già đeo bó củi lần từng bực thang leo lên lầu.
          Lời anh taxi : nhóm chúng tôi có ba người nên thường hay thuê taxi mỗi khi đi vào thành phố. Một lần tôi tò mò hỏi anh tài xế về tình hình bệnh viện thì anh lắc đầu ngán ngẩm cho biết BS ở đây tệ lắm, chẩn đoán trật hoài à. Lao phổi thì lộn là đau dây thần kinh liên sườn, ung thư thì nói gai cột sống. Anh này rành tới mức biết rõ BS nào gốc ở đâu, học trường nào ra, có bằng cấp gì và thậm chí còn biết BS T. mới bị sở Y tế phạt 7 triệu ! Còn nhìn cái bệnh viện anh lắc đầu nói trông nó vậy chứ chất lương công trình kém lắm mấy anh ơi, ngốn bạc tỉ không hà, nhiều khi em muốn thưa lên báo vì họ ‘ăn’ dữ quá. Dân ở đây oai thật. Nhắc đến chuyện phạt tôi thấy Sở Y tế ở đây nghiêm khắc quá phạt từ 5-7 triệu không à. Đi kiểm tra phòng mạch ngoài sở y tế còn có cả người của công an, uỷ ban đi theo nữa. Các bạn có thể tưởng tượng ở một tỉnh xa 5 triệu ở đó có thể tương đương với 10 triệu ởSaigon. Giá khám bệnh tư ở đây cũng rẻ hơn SG, hai ba ngày thuốc tốn khoảng 15000 đồng.
Lời bác giáo viên : tôi ghé thăm một bác giáo viên già bị suy tim. Ông cảm thán rằng nhà nào giàu thì họ đã vô Saigon hay Quy Nhơn trị bệnh hết rồi, còn lại người nghèo và đồng bào dân tộc thì chữa ở đây.
Tâm sự BS : một đêm nọ tôi ghé xem lại mấy bệnh nhân nặng mới cho thuốc hồi sáng, nhân tiện chuyện trò cùng BS trực đêm hôm ấy. Về chuyên môn tôi thấy hai BS này có vẻ giỏi nhưng họ cho biết là không dám chữa mạnh tay vì sợ xảy ra tai biến không ai che chở. Kế đến họ cho biết là trong khoa tình hình nhân sự cũng rất rối loạn, phe nào hợp ý sếp thì chiếm một tầng, phe nào không hợp thì cách ly ra một tầng khác. Có người làm tim mạch lâu năm điSaigon học về bỗng thấy mình trở thành BS tiêu hoá ! Qua câu chuyện tôi thấy tinh thần anh em không ổn định, buồn  nhiều hơn vui. Âu cũng là phải đạo khi trưởng khoa nhìn đâu cũng thấy kẻ địch . Bây giờ kể qua câu chuyện vui hơn đó là chuyện BS tỉnh lẻ đi chơi Saigon. Một BS được mời vô Saigon chơi và ở tại khách sạn Rex. Anh thật thà kể với tôi những chuyện ‘ngỡ ngàng’của anh ấy :
-         Chuyện cái bồn tắm : Bồn tắm có lẽ là một trong những vật dụng mà dân VN ít quen xài. Bồn tắm khách sạn cao cấp chắc hẳn tối tân rồi nên sau khi ngâm và sát xà bông đầy mình, anh không tài nào tìm thấy cái nút để xả nước . Thế là bèn đứng chàng hảng hai chân trên hai thành bồn để xối nước.
-         Chuyện buổi hoà nhạc mơ ước : từ trên lầu nhìn xuống khu cocktail lounge anh chú ý thấy có một ban nhạc đang chơi thật hay với nhiều loại nhạc cụ réo rắt. Khoái quá anh chạy xuống kiếm một chỗ ngồi xem. Hai phút sau một tiếp viên đến mời anh uống nước, nhìn vô bảng giá mặt anh xanh lè, tay chân run rẩy , anh đành cáo lui và tiếc không được ngồi nghe nhạc thêm chút nữa.
-         Chuyện rest room : anh ban tôi rất khâm phục cái chỗ dùng để đi tiểu. Sau khi giải quyết, anh hồ hởi nói với mọi người trong đoàn :’Đã thật ! Mới vừa kéo fermeture ra là nước đã chảy ra ào ào rồi.’ Mọi người kinh ngạc nhìn anh vì hiểu theo ý khác. Thực ra anh chỉ muốn tả cái toilette tự động xả nước mỗi khi có người đứng vào.
-         Cuối cùng anh nhận xét các cô gái Saigon mặc jupe ngắn thật !

Ngày… tháng… năm….
VÀI CHUYỆN LẶT VẶT
-         Thành phố chỉ có một điểm massage duy nhất. Để ngăn ngừa tệ nạn xã hội nên các điểm massage đều bị đóng cửa trừ một điểm tại khách sạn Pleiku. Theo các nhân viên ở đây thì đa số các em là từ miền Tây lên và khách sạn bắt ăn ở ngay tại chỗ để dễ quản lý. Có em than rằng ban đêm còn bị cấm ra ngoài ! Chẳng biết thật hay hư ? Tuy nhiên karaoke thì có nhiều, từ hạng villa sang trọng đến kiểu bình dân, cứ nhờ các bác xe ôm hay taxi hướng dẫn.
-         Khu du lịch Đồng Xanh : đây là khu giải trí vui chơi to nhất vùng. Tưởng tượng cũng như Đầm Sen hay Suối Tiên ởSaigon nhưng nhỏ hơn. Tuy nhiên họ chăm sóc tốt nên hoa kiểng nhiều và tươi tốt. Có một cái hồ lớn xung quanh có chòi để câu cá, câu lên thì ngồi đó nhậu luôn. Ngoài ra còn có khu trưng bày tượng gỗ Tây Nguyên và các kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc. Công viên nước cũng đã xây dựng nhưng có vẻ ế ẩm.
-         Đi thăm buôn làng : tôi rất tiếc là mình không có thì giờ đi thăm các bản làng thứ thiệt trong vùng sâu, tuy nhiên cũng cố sắp xếp đi các buôn gần thành phố. Làng Việt Nam có làng gìau làng nghèo, thì buôn cũng có nơi trồng trọt trù phú nhà cửa khang trang, có nơi rách nát tối tăm. Một hôm đang lang thang tìm đường xuống suối bỗng thấy một thanh niên Giá Rai cứ giơ tay ngoắc ngoắc, tôi bèn đánh bạo bước vô nhà. Một ông già chạyra nắm tay hỏi tôi có phải là BS không ?Tôi rất ngạc nhiên vì làm sao có ai biết mình ở nơi xa xôi này ? Hỏi ra mới biết ông có người em bệnh nằm BV, tình cờ tôi ghé qua khám cho em ông ta lúc đó chắc ông đứng sau lưng nên tôi không để ý. Ổng còn nhắc lại lời tôi dặn em ông là đừng có hút thuốc, hút nhiều sẽ bị chết. Sau này tôi biết được là người dân tộc họ nhớ rất dai. Ngôi nhà sàn của ông được chính phủ xây tặng, tuy nhiên bên trong rất tối tăm, quần áo treo một đống, lủng lẳng vài cái nồi và giữa là bếp than. Họ mời tôi vài chung rượu đế. Rượu miền này vị dịu và thơm hơn rượu đế ở Saigon. Khát nước quá tôi xin họ miếng nước uống. Ông chủ nhà bê ra một cái bình 4 lít. Tôi hỏi nước này ở đâu ra thì ông chỉ tay ra con suối sau nhà. Oải quá nhưng tôi cũng ráng uống vài hớp cho qua cơn khát. Sau đó tôi đi lang thang trong làng và chụp được một số ảnh trẻ em đang nô đùa.
KẾT THÚC
Hết chuyến công tác tôi ra phi trường để trở về nhà. Có một chuyện cảm động là ngay trước khi rời bệnh viện, bác tài xe ôm mà tôi thường đi, ghé qua tặng tôi một quả bầu khô dùng đựng rượu. Còn bệnh viện thì gửi tặng một gói to đùng toàn trà và cà phê. Trên đường ra phi trường thấy còn sớm và sợ ăn các thức ăn của HKVN tôi rủ bác tài xế vào một quán bên đường lai rai với tiết canh và lòng heo. Có một điều ngạc nhiên là tại phi trường không có điện thoại công cộng nên tôi không thể báo giờ về cho gia đình được. Chuyến bay khởi hành đúng giờ nhưng vì thời tiết xấu nên phải bay vòng ra biển, thế là ngoài cảnh núi rừng tôi còn được ngắm cảnh biển xanh nữa.
Cuối cùng thì máy bay cũng chạm bánh xuống phi trường TSN, những hangar thời chiến tranh cũ kỹ, những túm cỏ khô vàng úa lại lướt qua như bao lần khác. Back home.

Bà con lưu ý . Câu chuyện này xảy ra khoảng năm 2001-2002, bây giờ có thể có nhiều thay đổi.
Mong là nó thay đổi tích cực hơn Andropause nhỉ ? Mình cũng có thời gian 3 năm dạy học ở vùng núi với đồng bào dân tộc .... Mọi suy nghĩ , ước mơ của họ chân chất như ngô khoai .Họ luôn luôn thiệt thòi nhưng ko biết !
Khi lãnh đạo dốt nát mà có quyền thì thật là thảm họa .Chuyện ở các tỉnh ,huyện xa muôn đời vẫn vậy, chỉ tình người miền xa là hồn hậu, nồng ấm.
Cám ơn Andropause nhé, đọc xong thấy buồn quá.
Ở các huyện xa thấy ai cũng tội...
Nhưng vẫn có cái tình, chính cái tình đó đã giúp cho đời sống của họ có thể chịu đựng được.
Bảy năm rồi, hi vọng bây giờ họ khá hơn một chút.
Không phải nói xấu nhưng Biển thấy "Lương y như từ mẫu" dường như hổng tồn tại. Có, chỉ như cái gì đó, điều gì đó hiếm hoi, còm cõi thôi. Tiếc lắm những người nắm giữ sinh mạng, sức khỏe ... của người khác nhưng không trân trọng, nâng niu cái quyền của mình. Biển trân trọng những bài viết của chủ nhà, cái cảm, cái nghĩ của chủ nhà (hihi, chẳng biết chủ nhà là ai nhưng nói thì cứ nói)
chuyện bs tim mạch bị thành bs tiêu hóa nghe sợ, sợ người không có tài mà có quyền.

chuyện vùng xa vùng quê, kể nghe buồn. 

chuyện bs dám ăn tiết canh kể nghe hơi ngỡ ngàng, heheheh, em cũng thích tiết canh, nhưng từ lúc nghe nói món đó nhiều vi khuẩn gây bệnh nên em kiêng rồi.
Ui cái chuyện này phổ biến lắm. Chính tui đã từng làm từ phổi , qua thận , chút chút tiêu hoá rồi mới dừng ở tim mạch. Có thằng bạn thân đang là BS giỏi ở khoa Săn sóc đặc biệt (ICU) đi du học về thì tở thành BS chữa Tiểu đường. 
Hồi xưa còn dám ăn tiết canh chớ mấy năm nay tui hổng có ăn.
BS viết văn vui và quá chừng thực tế đến không ngờ...
Một entry hấp dẫn từ đầu tới cuối khiến tui sắp trễ giờ đi làm rồi đây,heheheh...Cảm ơn bạn Andropause,nhờ entry này tui mới biết nghề nghiệp của bạn và mới hiểu vì sao bạn chọn cái nick Andropause,hehehehe...
Lâu lâu có thời gian em vào đọc từ từ blog của anh. Bên cạnh mảng thi vị của cuộc sống,em thích những bài viết có tính phóng sự thực tế như này, mong anh có nhiều bài hay như này nha anh. Chúc anh sức khỏe.

8 comments:

  1. Andro viết lôi cuốn làm GG thấy như mình được đi Pleiku vậy. Cho thêm vài tấm hình thì hay quá.
    Qua bài viết mới thấy ở các địa phương xa còn nặng tinh thần : Hồng hơn chuyên .

    Đang đói bụng dã man mà đọc tới bê thui, bò nướng lụi ... chịu đời không thấu phải tắt màn hình kiếm gì bỏ bụng đây.

    (Vì có hẹn với nha sĩ nên em mới rà rà tới phần cuối chứ chưa đọc phần đầu nên chưa có ý kiến gì ngoài dzụ mấy món ấn tượng của bs nó hành hạ bao tử em, nên phải chạy đi ăn trước khi gặp nha sĩ, mờ khổ, xứ này tìm đâu ra bò nướng lụi với bê thui chứ ...hic ...)

    ReplyDelete
  2. Andropause định mở nhà hàng hay sao mà để ý cả cách chế biến các món ăn vậy? Đi công tác mà thảnh thơi, thư thái còn được thưởng thức các món ngon như vậy nếu là em, em cũng thích đi miết thôi.
    Mà anh làm BS mà sao anh hay kể những tiêu cực của bệnh viện, bộ anh ko yêu "mãnh đất" của mình à?

    ReplyDelete
  3. hìhì... cám ơn ANDROPAUSE về một entry hấp dẫn, từ mùi toa lét đến mùi bê thui.
    Từ cảnh Biển hồ đến dép ny lông, từ đôi mắt Pleiku đến... vấn đề ní nịch.
    Bravô, đợi coi trái banh sút tiếp có thủng cái lưới nào không...

    Post bài lẹ lên cho tui còn coi tiếp.
    Thanh kiu.

    ReplyDelete
  4. Dzị ra Andropause là bác sĩ sản khoa và làm ở bệnh viện ĐHYD. Đúng không ạ bác sĩ...?

    Chậc chậc ..Dr hư quá ...hút thuốc ..ăn thịt lạ nữa :|

    À ha! Quên hỏi Bác sĩ có nộp bài thu hoạch không dzị?

    Nghe anh kể thấy khoái nhưng cũng hơi... run khi về bển. Cái mùi xú uế tràn lan nồng nặc từ trên xuống dưới.... thì làm sao mà tẩy hết đây trời! Kinh quá!

    ReplyDelete
  5. Tui chuyên môn trốn mấy cái dzụ này. Cơ quan tui tính cho tui thôi việc nhưng mà thiếu người quá nên đành giữ lại !!!
    Mỗi chuyến đi vui hay không ăn thua mình thôi anhoang 365 à !

    ReplyDelete
  6. Mà sao không thấy chỗ cho chị già add đó Andro ơi!

    ReplyDelete
  7. Em cung chua ranh lam chi gia oi !

    ReplyDelete