Thursday, 9 August 2012

XIN ĐỪNG HÙA NHAU - thực trạng y té VN

Xóm tôi ở là một xóm lao động nghèo, đa phần người dân làm thợ hồ, chạy xe ôm hay bán dạo mấy thứ quà bánh vặt vãnh, tuy vậy hầu như nhà nào cũng nuôi một con chó. Thậm chí chị Út trước cửa nhà tôi, chồng làm công nhật, vợ thất nghiệp , con cái nheo nhóc mà cũng nuôi đến hai con chó. Mỗi lần có người lạ đi ngang qua một con sủa trước, rồi những chó nhà khác thấy vậy cũng hùa nhau gâu gâu phụ họa làm náo loạn cả xóm. Đêm khuya tĩnh lặng, nghe chó thi nhau sủa tôi cũng đoán được người khách vãng lai ấy đang đi đến đoạn nào. Người ta gọi đấy là tập quán bầy đàn.
    Cái tập quán này cũng xảy ra ở con người và có khi người ta gọi là hội chứng bầy đàn. Nhớ cái thuở thị trường chứng khoán còn rộ, đi đến đâu cũng nghe bàn tán xôn xao, rồi lũ lượt rủ nhau lên sàn bỏ tiền ra chơi. Có hôm tôi ra lấy xe ở cơ quan, bác bảo vệ ngạc nhiên nói : “ Giờ này sao thấy mới lấy xe ? Mấy thầy khác đi từ sớm rồi, hôm nay Vietcombank bán cổ phiếu !”. Rồi nhớ đến những hội nghị khoa học, đang ngủ gật bỗng thấy thiên hạ vỗ tay rôm rả mình cũng bật dậy vỗ theo.
     Thời gian qua ngành y tế của tôi cũng chịu nhiều chê trách. Dân chúng và báo chí thi nhau rủa xả nào là chuyên môn sai sót, thủ tục phiền hà … nhưng nhiều nhất có lẽ là thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Thật tình tuần trước dẫn thằng con đi khám bệnh tôi thấy họ trách cũng không oan. Chờ cả buổi mới gặp BS, hỏi được hai câu thì quăng ra mấy tờ phiếu xét nghiệm bảo đi làm. Mãi tới chiều mới có kết quả, đem lại thì BS liếc qua độ 10 giây rồi ngoáy một cái toa bảo đi ra lãnh thuốc về uống. Không một lời giải thích về bệnh trạng hay ‘tương lai’ của cháu !
      Quan sát ngày làm việc của một bác sĩ tại phòng khám ngoại trú tôi thấy mỗi sáng họ phải khám khoảng 50- 100 bệnh nhân hay thậm chí nhiều hơn nữa, vậy thì làm sao họ đủ thời gian trao đổi chi tiết với mỗi bệnh nhân. Chả trách khi tôi ghé thăm môt cô BS đàn em đang làm việc tại phòng khám, cô ấy không hề nhìn tôi, không chào hỏi hay mỉm cười với tôi khiến tôi buồn buồn nghĩ là cô ấy giận mình chăng. Sau này tôi hỏi thẳng xem sao lại có thái độ như vậy thì cô trả lời: “ Em có giận gì anh đâu. Ngồi ở cái phòng khám này em phải đối phó biết bao nhiêu chuyện, từ các yêu cầu của bệnh nhân, đến chế độ kê toa, lại còn các quy chế bảo hiểm nữa, mà sơ sẩy một chút là lại bị khiển trách, kiểm điểm. Em kiệt quệ rồi anh ạ, làm sao mà cười nổi !”. Với một người đàn anh thân quen mà cô BS ấy còn cười không nổi thì nói gì đến các bệnh nhân đang chờ chực, xúm xít quanh cái bàn khám bệnh trong căn phòng chật chội, nóng bức kia. Các BS đã phải làm việc tăng 750% theo quy ước quốc tế (1).
       Bước lên trại bệnh nội trú, mỗi bác sĩ chỉ phụ trách có 3-6 giường bệnh nhưng số bệnh nhân không phải là 3 hay 6 mà sẽ là 15 vì một giường có hai người nằm và kèm theo là những bệnh nhân không có giường phải nằm băng ca kê sát giường đó hoặc kê ngoài hành lang. Khi lấy hồ sơ thì phải lưu ý, ví dụ giường 25 hay 25 BC (băng ca) hay 25 HL (hành lang) ! Mỗi bác sĩ phải tăng cường độ lao động lên 300-400%. Sự quá tải kéo dài triền miên sẽ dễ dẫn đến căng thẳng, cáu gắt và mệt mỏi. Môt cái máy chạy quá 100% công suất còn hư nói chi đến người (1)
     Làm việc nhiều , lương không đủ sống tất nhiên các BS phải ‘xoay sở’, điều này dẫn đến các vi phạm về y đức. Họ phải làm phòng mạch ngòai giờ, làm xong thì mệt lả ra rồi còn đâu thời giờ mà trau dồi kiến thức.
      Hàng năm cứ đến ngày 27/2 thì các báo lại đưa các tin sau (năm nào cũng như năm nào) : lễ phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân - ưu tú, bài ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc, điều dưỡng, hình ảnh các chuyến viếng thăm ủy lạo của các vị lãnh đạo trung ương, địa phương và một bài xã luận về y đức… Để rồi sau đó thỉnh thoảng báo chí lại hùa nhau làm một đợt ‘đấu tố’ các thầy thuốc với những trách móc nặng nề từ bạn đọc kiểu : “ tôi từng nghe nhiều và tận mắt chứng kiến những kiểu làm tiền trắng trợn ở các bệnh viện, và chỉ có từng vô bệnh viện mới có thể tin rằng y đức của bệnh viện hiện nay là con số không.” (2)
    Do đó nhân ngày thầy thuốc VN năm nay, tôi xin các bạn hãy rộng lòng thêm một chút, ‘từ bi hỉ xả’ thêm một chút để nhìn sâu hơn, hiểu thấu hơn hoàn cảnh và tâm trạng người thầy thuốc Việt trong một cơ cấu quản lý và vận hành đầy bất cập hiện nay.
      Ngoài kia chó lại thi nhau sủa râm ran.
(1) Làm quá sức vẫn bị dân kêu – BS Nguyễn Thanh Hải – Tuổi Trẻ 26/2/2010
(2) Y đức xuống dốc- đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường – Tuổi Trẻ 25/2/2005

"Làm việc nhiều , lương không đủ sống tất nhiên các BS phải ‘xoay sở’, điều này dẫn đến các vi phạm về y đức. Họ phải làm phòng mạch ngòai giờ, làm xong thì mệt lả ra rồi còn đâu thời giờ mà trau dồi kiến thức." => Nếu chỉ làm để "đủ sống" thì có lẽ việc vi phạm Y đức không đến nỗi báo động đâu ạ. Thử nhìn lại mà xem, đa phần bác sĩ đều giàu ngất ngưởng !
Nói chung, ngành nghề nào cũng có người thế này người thế khác nhưng chữ "hùa" dùng cho những người nói về mặt trái của ngành Y thì cần cân nhắc


Mỗi công việc đều cần một tiêu chuẩn đạo đức riêng, không những bác sĩ mà tài xế, nghệ sĩ, giáo viên, luật sư, chính trị ... cũng thế. Đã chọn nghề, chọn công việc thì phải chấp nhận chuẩn mực nghề nghiệp, nếu không đáp ứng được xin mời làm nghề khác. Bác sĩ hay kêu ca áp lực công việc cao, các bác sĩ hãy thử một ngày làm doanh nhân xem có sướng không? Nếu các bác sĩ thấy nghề khác sướng hơn sao không chuyển nghề?
Tôi rất đồng ý với uyenvan, việc dùng chữ "hùa" ở đây cần được cân nhắc!
Đóng góp của anh khiến người thầy thuốc phải nhìn lại mình. Quả thật những nhân viên y tế đã không hoàn thành 'thiên chức' của mình. Tại sao ? Môt phần là tại cá nhân họ (nền giáo dục phổ thông và y khoa quá kém) và phần khác là lỗi ở ...hệ điều hành ! Quýt ngọt mà trồng ở đây thì cũng hóa chua thôi anh Ken ơi .
 
Vì nghề y là nghề nhạy cảm,nghề gắn bó với sức khỏe con người nên người ta đôi khi đòi hỏi người làm nghề phải cao hơn âu cũng là điều bình thường,bạn ạ!Rất đồng cảm với bài viết của bạn,một lần mình vào SG Kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện HH,trời ơi bệnh nhân như chuẩn bị dự một buổi dạ hội,chỉ khác là khuôn mặt mọi người buồn hơn thôi.Rồi qua Hoàn Mỹ,Chợ Rẫy,khám đông như thế thì làm sao không thể bỏ sót nhiều điều...
 
Có lẽ khi trách cứ, người ta thường chỉ nhìn thấy những sự việc trước mắt và cụ thể, chứ không (hoặc không thể) nhìn thấy những quy chế, động cơ, và điều kiện xã hội dẫn đến những sự việc/hành động/thái độ của BS và nhân viên y tế nói chung đối với bệnh nhân. Được cái may mắn nhìn thấy sự khác biệt giữa điều kiện làm việc của BS ở VN so với nước ngoài, cụ thể là Thái lan và Mỹ, em rất hiểu và thông cảm với ý kiến của anh. Dù sao đi nữa, một câu nói ân cần của BS lúc nào cũng làm bệnh nhân được an ủi và lên tinh thần, thay vì hoang mang lo lắng vì không biết nên "dịch" thái độ của BS thế nào cho đúng :))
Đa số các thầy thuốc vẫn rất yêu quí bệnh nhân của mình chỉ có điều họ bị "ép" quá nên không có dịp biểu hiện mà thôi. Lúc nào cũng chạy long tóc gáy, thở không ra hơi hết bị khiển trách đầu này, đến thưa gửi đầu kia thì chính họ cũng cần phải được chữa bệnh.
Y tế và giáo dục, khi nhà nuớc không có một chính sách trợ giúp và minh bạch thì quả thật khủng khiếp ...
Em rất đồng cảm với chế độ đãi ngộ kém và cường độ làm việc quá cao của y bác sỹ, tuy nhiên với cách so sánh ẩn ý "chó sủa" của tác giả thì em cho là không nên.

Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực nên được tư nhân hóa, cứ để thế này thì người dân vẫn phải trả tiền, nhưng trả một cách không chính đáng. Kết quả là đạo đức của cả bệnh nhân lẫn y bác sỹ, học sinh và thầy cô giáo đều cùng băng hoại.
 
He he bạn gpsvn thông cảm, tại mình thấy có một bài than phiền về thái độ vô cảm của BS, sau đó có một BS (có lẽ cũng thật thà) phân trần rất đúng sự thật, nhưng nhiều bạn đọc đã đua nhau (mình bỏ chữ HÙA rồi nhé) miệt thị bác ấy. Sau cùng đại ca Đỗ Hồng Ngọc phải đứng ra viết một bài mới yên.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=317155&ChannelID=118
 
Lúc trước làm báo, Zip chưa bao giờ viết bài nào về y đức. Đơn giản là vì Zip không phụ trách mảng đó, đọc thì có đọc những bài báo phê phán, phàn nàn cung cách phục vụ bệnh nhân của các y tá, y sĩ, bác sĩ tại các bệnh viện. Thấy bạn bè đồng nghiệp nói có sách mách có chứng thì Zip đọc và ghi nhận. Sau này, cách đây năm sáu năm, Zip quen thân với một người bạn là bác sĩ nên mới hiểu thêm tâm trạng, nỗi niềm của người thầy thuốc. Người bạn bác sĩ này của Zip cũng mở phòng mạch riêng nhưng chẳng giàu có gì, chỉ dư dả thôi. Bệnh nhân nghèo mà anh bạn đó biết rõ, nếu đến phòng mạch anh ta khám bệnh thì anh ta hoặc là giảm tiền khám tối đa hoặc khám bệnh không lấy tiền. Thấy ông bạn bác sĩ đó sống thanh thản, nhẹ nhàng, không cầu danh lợi vinh hoa phú quý gì cả tuy anh ta cũng như mọi người đều muốn đời sống bản thân và gia đình khá giả hơn một chút.

Andro là bác sĩ thứ hai mà Zip có dịp làm quen đấy. Đọc entry này cũng cảm thông thêm cho các thầy thuốc một chút. Đúng là đồng lương bên ngành y không cân xứng với sức lực, mồ hôi và cả lương tâm mà người thầy thuốc đã âm thầm dành cho bệnh nhân của mình, phải nói là trao tặng cho bệnh nhân của mình một cách tình nguyện và âm thầm lặng lẽ mới đúng.

Nhưng Andro cũng hơi quá một chút khi bảo cánh báo chí phê bình là họ đang "vào hùa" đấy nhé! :)
báo chí bầy đàn để che tội cho đảng nhà mình ai mà kg biết.Giao thông thì tai xe máy người bán hàng rong,giáo dục thì tại cô thầy ,phụ huynh, khắp mọi nơi tuốt tuồn tuột bị đám báo chí hùa nhau đổ thừa để che đậy cho cái chế độ đầy ung nhọt
 
Không bàn về ngôn ngữ diễn đạt , chỉ hiểu và rất thông cảm cho các y bác sỉ dù không ít lần bị họ nạt nộ và chứng kiến họ nộ người khác .. Cái gì cũng có lý do của nó .. Tuy nhiên làm sao để '' lương y như từ mẩu '' theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng để làm việc tốt hơn ...ai cũng có quyền cải tạo cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần ..
Đọc bài này và các câu comment, lại nhớ câu của bác Đỗ Hồng Ngọc, đại ý " lúc người ta dập dìu đi đón noel thì bác sỹ ở Chợ Rẫy đón... tai nạn vào". Không có bác sỹ thì ai là người chăm sóc cứu chữa cho mình lúc mình khổ sở nhất.

1 comment:

  1. Thực trạng ngành Y thì quả đúng như thế thật! Ngoài những vị thiếu Y đức ra thì.. nói tóm lại ta phải tự vạch đầu gối ra hỏi tại sao bác sĩ chúng ta phải chạy chân trong chân ngoài, điều này chẳng ai muốn cả! Tại cái cơ chế nó thế, Bác sĩ, nhà giáo, kỹ sư chân chính cũng phải ăn phải lo cho gia đình chứ!

    Cái con bé bác sĩ heo mập vừa ra trường đi thực tập một năm xong đã bỏ nghề khám chữa bệnh rồi.. vì nàng quá sợ đi vào vòng xoáy của cái guồng.. rồi lại rơi tỏm xuống vực sâu lúc nào không hay.. Khó lắm thay!

    ReplyDelete