Friday 6 June 2014

Phần 4 : Phá Tam Giang RETURN : chiều nay nhớ ngườ

Phần 4 : Phá Tam Giang RETURN : chiều nay nhớ người

June 4, 2014 at 9:10pm
Qua  ba phần trước các bạn đã hình dung ra vẻ đẹp của phá Tam Giang từ cảnh bao la nhìn từ trên không đến cánh đồng quên thơm mùi rơm rạ, từ con thuyền nhấp  nhô trên sóng đến buổi hoàng hôn tím thẫm, nhưng chưa hết đâu, mời các bạn cùng tôi quay trở lại Tam Giang thêm một lần nữa.
Tấp 3 chấm dứt với cảnh ăn nhậu ở Cồn Tè lộng gió thấm đẫm ánh trăng 16 đỏ huyết. Tối hôm đó, nằm trên giường mà lòng cứ bâng khuâng nghĩ đến buổi hoàng hôn vớt vát , chụp vội chụp vàng vì tính toán sai địa điểm chụp, vì tham lam đang đứng ao này lại ngóng hồ kia ! ( Con người chứ có phải thánh đâu mà không tham cơ chứ)
Quyết định : phải quay lại một lần nữa. Check Accuweather xem thời tiết và giờ mặt trời lặn, check la bàn xem hướng, check Google Map xem đường đi, check pin và thẻ nhớ (đang chụp mà low battery hay hết thẻ là thảm họa), lau chùi lại ống kính. Và đọc lại lần chót bài nói chuyện cho trưa mai.Vụ gì nữa đây ?
Đến đây lại  xin lạc đề một lần nữa. Thời gian qua, sau khi chia sẻ (FB là chia sẻ mà) các hình ảnh Dalat, Nha Trang, Hà Nội ..., nhiều bạn hay mắng yêu  là sao mình sướng thế, đi chơi nhiều thế, du dương hoài vậy, dung dăng dung dẻ mãi  ? Thực ra tất cả hình ảnh tươi đẹp ấy đều được thực hiện trong khi đi làm việc, công tác cả . Tất cả là do đam mê . Thay vì ngủ nướng trong chăn êm nệm ấm, ăn buffet 5 *, thay vì tham quan có kẻ đón người đưa, thay vì tắm piscine hay thư giãn nơi quán bar thì mình phải tranh thủ từng giây từng phút những lúc không họp hành hay báo cáo để rú ga vội vã trên những con đường gập ghềnh mờ bụi đỏ hay húp vội tô mì ven đường giữ sức, sáng phải dậy lúc gà gáy canh 4, canh 5 để canh mặt trời mọc, chiều thì mai phục bên đầm bên phá canh mặt rời lặn, tối thì ... (thôi không nói đâu, buổi tối mình chụp cái khác thú vị hơn, không chụp hình nữa).
Thí dụ lần này tôi đi hội nghị về Tăng Huyết Áp ở Huế. Sáng mai tôi có một bài trình bày ngắn, do đó cũng phải ôn bài, tắm táp sạch sẽ, thơm tho, cạo râu, vuốt keo cho mặt mày sáng sủa ... nói chung là cũng giống phường chèo ra sân khấu vậy đó. Kể thêm một chuyện nhỏ. Lần thăm Huế này, không biết do phấn khích quá hay sao đó mà tôi bỏ quên cái cravate ở nhà ! Hỏi mượn anh bạn thân thì hóa ra bài của anh nói ngay trước bài của tôi, chắc không kịp chuyển giao đồ nghề ! Thế là giữa trưa nắng phải lội bộ qua siêu thị Big C ngay cạnh hotel để mua một cái cravate.
Lâu lâu cho khoe hình mình chút nha !


Đứng gần người đẹp vậy mà  không tăng huyết áp mới là lạ !
Và mình chợt nghĩ suy : chắc chuyển qua chụp chân dung quá ! :)

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ,mình đi ăn bánh bèo , trong khi ăn dụ được một anh bạn đồng nghiệp là đúng 4 giờ chiều sẽ đi phá Tam Giang để ngắm hoàng hôn. 
Tại sao tôi lại đắm đuối vì một địa danh đến như vậy ? Đó là do sức mạnh của ngôn từ và giai điệu.
Vào thập niên 70, trong bối cảnh cuộc chiến Nam Bắc huynh đệ tương tàn đang hồi khốc liệt nhất, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác nhạc phẩm " Chiều Trên Phá Tam Giang" và chỉ mới nghe một lần (lúc đó Nhật Trường và Thanh Lan song ca thu trong cassette chương trình Shotgun thì phải) mà tôi cũng thấy thích và mơ mộng : trải qua một buổi chiều trên phá Tam Giang . Và hôm nay giấc mộng ấy đã thành sự thật.



Trong bài hát này chỉ có mỗi một câu nhắc nhớ phá Tam Giang là câu :
"Chiều trên phá Tam Giang, anh chợt nhớ em
Nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận
Em ơi, em ơi..."
Nhạc điệu chậm dần tha thiết nỉ non ....
Sau đó là tâm trạng người lính chiến nhớ nhung người tình bé bỏng .
" Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm

Ôi Saigon, Saigon giờ giới nghiêm
Ôi Saigon, Saigon mười một giờ vắng yên
Ôi em tôi Saigon không buổi tối"

Ca từ cho thấy đây là một chốn phồn hoa với từ 'thương xá' rất gợi hình. Đó chính là thương xá Tax nhộn nhịp giữa đô thành hào hoa. Nhưng buồn thay bối cảnh lại là một thành phố thời loạn.
Sau đó chàng  lại miên man nghĩ đến nàng với nhưng khung cảnh quá đỗi đời thường : em vào thư viện, em chán học rời thư viện đi lòng vòng, em lang thang dưới mưa nhìn bong bóng nước chạy trên hè, em vào quán nước quen nơi hẹn hò tình nhân và em nghĩ đến anh :
"Giờ này thành phố chợt bùng lên
Em giòng lệ bất giác chảy tuôn
Nghĩ đến một điều em không rõ
Nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ

Đến một người đi giữa chiến tranh
Lại nghĩ tới anh, lại nghĩ tới anh
Nghĩ tới anh..."

Cứ thế hai người yêu nhau, phải xa nhau vì chiến cuộc và họ nghĩ đến nhau , tình yêu thật đơn sơ nhưng cũng thật vĩ đại. Chàng một chiều bên phá Tam Giang mây trời vần vũ, mặt nước gợn sóng in bóng hoàng hôn, nhớ ơi là nhớ ! Nàng nơi thành đô thời tao loạn cũng nhớ ơi là nhớ, miên man bất tận.
 
Nhắc đến nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà không nhắc  đến nhà thơ Tô Thùy Yên là một thiếu xót lớn. Chính từ một chuyến trực thăng băng qua miền hỏa tuyến mà họ Tô đã viết bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang đầy cảm xúc để từ đó trở thành bất tử qua tài phổ nhạc của Trần Thiện Thanh.

Bài thơ của Tô Thùy Yên gồm ba phần.
Phần một như một khúc tráng ca mô tả cái số phận bi đát của những chiến binh mà chiến địa đẫm máu là phá Tam Giang.
"Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi "
Trong bối cảnh đó, nhà thơ đã tiên đoán tương lai VN rất thần sầu :
"Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
Ngươi há chẳng thấy sao
Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn? "


Và ngộ ra rằng tất cả chỉ là những con tốt trên bàn cờ thế cuộc

"Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt.
Ta thương ta yếu hèn.
Ta thương ngươi khờ khạo.
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng,
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử,"

Và đoạn 1 khúc tráng ca thời loạn kết thúc : " Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận
Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông ".

Trong bối cảnh một buổi chiều tạm im tiếng súng, anh lãng đãng nhìn qua làn khói thuốc, ánh tịch dương buông dần những tia sáng lúc đỏ lúc tím, đó là lúc :
 " Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận "



Chính đoạn 2 tình tứ này đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc và từ đó hình ảnh chiều SG thương xá tắt đèn , hàng cây xanh ngọc thạch  , thư viện yên ắng, quán nước thân quen, bong bóng mưa vỡ òa ... đã đi vào lòng thính giả với nỗi lo chất ngất của người tình sinh viên bé bỏng nơi hậu phương.

"Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới
Giờ này thành phố chợt bùng lên "


Bài  thơ dài chuyển qua phần thứ ba : nghĩ về thân phận con người , và trong sân khấu cuộc đời thì chắc ai mà chả có một vai diễn :
"Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người
Với từng ấy tấn tuồng bần tiện
Rút ra từ lịch sử u mê
Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi
Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh "
Và bài thơ kết thúc :
"Chiều trên phá Tam Giang 
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
Dớn dác ngó



Trở lại với chuyến đi nha các bạn. Lần này chúng tôi trở lại bến đò Cồn Tộc, nơi mà hôm trước có ghé qua nhưng số chưa tới nên chưa chụp được gì. Lần này tôi đã may mắn ghi lại những hình ảnh của một buổi chiều trên phá Tam Giang. 


Đứng nơi này tôi cảm thấy cái nhẹ nhàng của chiều buông, của thanh bình.



SG , 4/6/2014
(Hết)

No comments:

Post a Comment