Saturday 25 August 2012

FOTOFUN 6 : BIẾT ĐỦ LÀ ĐỦ


" Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc " - biết đủ thì là đủ. Mà biết thế nào là đủ đây các bạn ?
Bài này nói về vần đề sống còn trong nhiếp ảnh :độ phơi sáng.
Dù bạn có focus đúng, dù bạn bố cục đẹp, dù tấm ảnh nói lên bao điều , nó cũng bị quăng vào sọt rác nếu nó không đúng sáng nghĩa là một tấm ảnh đẹp không được dư sáng mà cũng không được thiếu sáng.
Ảnh thiếu sáng : tối om om chả thấy gì.

Ảnh thừa sáng : bạc phếch, mất chi tiết.


BIỂU ĐỒ DIỄN GIẢI VỀ PHƠI SÁNG

photojojo:  Time to lay off the auto-setting! Thanks for the handy Photography Cheat Sheet, Miguel!


Mò mẫm mãi mới kiếm được cái hình tổng hợp mọi điều cần nói về PHƠI SÁNG (exposure)
Tại sao gọi là phơi sáng ? Vì khi ta chụp ảnh, ống kính sẽ mở ra cho phép ánh sáng lọt vào tác động lên bề mặt film hay cảm biến để ghi lại hình ảnh.
Hãy chú ý đến từ MỞ RA . Có hai chuyện liên quan đến mở ra :
1- Mở lớn đến cỡ nào : KHẨU ĐỘ . Mỗi ống kính đều có một lá chắn bằng nhiều mảnh thép ghép lại (diaphragm) , mỗi khi ta bấm máy, các mảnh ấy sẽ hé mở và tùy theo điều kiện ánh sáng hay ý đồ của người chụp mà ống kính sẽ mở rộng hay khép nhỏ. Mở càng lớn lượng ánh sáng vào càng nhiều và ngược lại.
Hình trên là diaphragm của máy.

2- Mở kéo dài bao lâu : TỐC ĐỘ 
Cũng tùy điều kiện ánh sáng và tùy ý đồ người chụp mà màng trập sẽ mở trong một khoảng thời gian nhất định. Mở càng lâu lượng ánh sáng vô càng nhiều và ngược lại.

Vậy các bạn nhớ hai chuyên quan trọng này nhé : Khẩu độ - mở lớn hay nhỏ ; Tốc độ - mở trong bao lâu.
Câu hỏi sống còn : Vậy chứ ai sẽ quyết định các thông số này ?
Trả lời : Máy là chính. Chắc 90 % bạn blog của tui và cả tui nữa sẽ chụp ở mode P hay AUTO như vậy máy sẽ tự ĐO SÁNG  và máy sẽ tự quyết định trong tình huống ánh sáng đó - " Tui sẽ để khẩu độ là X và tốc độ là Y,ông hay bà  có chịu hay không thì tùy. ". 
Nếu chịu thì bấm máy chụp các cắc. Nếu không chịu : xem tiếp phần sau !!!
Ta trở lại BIỂU ĐỒ PHƠI SÁNG
Hàng 1 : độ phơi sáng (EXPOSURE) , màu nâu.
Sau khi đo sáng, máy sẽ đưa ra một ĐỘ PHƠI SÁNG ( EV : exposure value) . Nếu độ phơi sáng đúng, ảnh đẹp , coi như không thừa không thiếu : EV = 0  - trung tính, vừa đủ.

evlist
EV lệch về bên phải (+1, +2 ... ) : ảnh sáng hơn, dư sáng.
EV lệch về bên trái ( - 1, - 2 ...) : ảnh tối hơn , thiếu sáng.
Trên các máy có nút exposure compensation giúp ta thay đổi mà máy đã tính toán.

- Hàng 2 : khẩu độ (APERTURE) , màu xanh rêu.
Bạn sẽ thấy một dãy số : 2, 2.8, 4, 5.6, 8.,11., 16. Số càng nhỏ (1.8, 2, 4) thì ống kính mở càng lớn. Số càng lớn (8, 11, 16) thì ống kính khép càng nhỏ.
Aperture

Mở lớn khẩu độ : ảnh sáng hơn, chiều sâu ảnh trường (vùng ảnh rõ) cạn hơn nghĩa là ảnh chỉ rõ ngay chủ đề còn hậu cảnh sẽ mờ nhòe (ứng dụng trong chụp chân dung - xóa phông).
Khép nhỏ khẩu độ : ảnh tối hơn , ảnh sẽ nét hơn (vùng ảnh rõ sâu hơn, các chi tiết gần xa hiện rõ , ứng dụng trong chụp phong cảnh).
1/30 F2.8
f:2.8 ảnh sáng đẹp, vùng ảnh rõ cạn , cái gối và tấm drap bị (được) xóa mờ.

1/30 F6.7
f:6.7 : ảnh tối hơn, độ nét sâu hơn (cái gối rõ hơn hình trân).

- Hàng 3 : TỐC ĐỘ (SHUTTER SPEED) , màu xanh nước biển.
Hình này cũng thấy một dãy số biểu thị thời gian (giây) : 2, 1, 1/25,1/30, 1/50 , 1/125 , 1/250 , 1/500 giây ...
Tốc độ chậm hơn ( làm mờ nhòe chuyển động) cho ảnh sáng hơn và tốc độ nhanh giúp bắt đứng chuyển động) 
Thí dụ chụp người đang chạy : 1/1000 giây giúp bắt đứng hình ảnh, 1/15 giây thấy người chạy thành một vệt dài. 

Slowing the Shutter Speed.... ( Please roll down)
Tốc độ chậm

Tốc độ nhanh

Hàng 4 : ĐỘ NHẠY FILM (SENSOR) - ISO
Biểu thị bằng các số 100, 200, 400, 800, 1600 .Độ nhạy càng cao film bắt sáng càng nhạy ( ví dụ film độ nhạy 100 cần tốc độ 1/8 giây để ghi hình, thì film độ nhạy 200 chỉ cần 1/15 giây và film độ nhạy 400 chỉ cần 1/30 giây...). Tuy nhiên độ nhạy càng cao thì ảnh càng dễ bị noise (vỡ hạt) - đời không ai cho không ai cái gì.
Rồi ráng thêm chút xíu , tui cũng muốn đi uống cafe rồi. 
Để dễ hiểu xin bạn hãy hình dung như sau :

Khẩu độ là vòi nước
Tốc độ là thời gian nước chảy
Độ phơi sáng là xô nước đầy.


- Nước chảy nhỏ giọt thì cần thời gian lâu hơn để hứng đầy xô nước. Ví như ta khép nhỏ khẩu độ và kéo dài tốc độ.(f:16, 1/30 giây)
- Vặn vòi nước chảy xối xả  thì xô nước mau đầy hơn . Ví như ta mở rộng ống kính và tăng cao tốc độ (f:8, 1/125 giây).
Theo minh họa phía trên, ta thấy để cùng làm đầy xô nước thì có nhiều lựa chọn
Vậy cùng ở một độ phơi sáng nhất định, ta có thể có nhiều cặp khẩu độ- tốc độ khác nhau và tùy theo ý đồ của người chụp mà ta sẽ quyết định 'cặp' nào là OK ! 
Còn chưa quyết định được ? Xin cứ giao cho máy .

KẾT LUẬN :
Ở  một hoàn cảnh chụp hình, với ISO (độ nhạy film) [thường là cố định - bạn không cần lo], MÁY (không phải ta - khỏe re như con bò kéo xe) sẽ cộng, trừ, nhân, chia sao đó và đẻ ra một exposure value (độ phơi sáng). TA chỉ cần cầm máy cho chắc, focus, chọn lại bố cục và SHOOT ! 
(lẽ dĩ nhiên có những tình huống quá khó làm MÁY bối rối, tính toán sai, khi đó TA sẽ can thiệp giúp máy). 
Sau đó ta có thể dựa trên nền tảng này mà điều chỉnh lại :
- Tăng / giảm tốc độ, tăng / giảm khẩu độ để ảnh nét sâu hơn, xóa phông, chuyển động mờ nhòe hay bắt đứng một chuyển động quá nhanh ...... 
- Tăng / giảm  EV để ảnh sáng hơn , tối hơn ....
Cách điều chỉnh xin xem phần sau.

No comments:

Post a Comment