Tuesday 7 August 2012

XA RỒI MỘT MÙA THU (illustrated)


INBOXMARKETPLACEMEDIA LOCKERMY SITE
SEARCH
Blog EntryOct 2, '09 12:20 AM
for everyone
From HANOI MORNING

Khi biết hội nghị sẽ tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10, tháng của mùa thu, tôi háo hức chuẩn bị tham gia vì đã nhiều lần nghe bà con đồn rằng HN vào mùa thu rất đẹp.
14:00 - cất cánh tại SG.
16:00 - hạ cánh tại HN.
16:45 - check in tại khách sạn.
17:00 - kiếm ngay xe ôm. Không cần tắm, không cần nghỉ, khỏi thay đồ.
Mục tiêu : ngửi được mùi hoa sữa.
Tôi nói với bác xe ôm : “ Anh chạy qua những con đường đẹp của thành phố và chọn con đường nào có hương hoa sữa.”
Trời chập choạng tối, phố phường đông đúc, tình cờ xe hết xăng dừng lại ngay chỗ tường thành có lưu dấu đạn pháo của quân Pháp bắn vào. Trong thời khắc chuyển tiếp giữa ngày và đêm ấy, nhìn lỗ thủng nham nhở trên tường thành, tôi tưởng chừng như thấy lại cảnh những chiếc tàu sắt to tướng lừng lững tiến dọc sông Hồng nã pháo liên tục vào thành và tôi lại thấy giữa khói lửa mù mịt ấy, tổng đốc Hoàng Diệu nén lòng uống chén thuốc độc khi thành thất thủ. Cũng trong bóng tối nhập nhoè ấy, một chiếc xe đám cưới màu trắng chở cô dâu và chú rể đang lướt qua thành, hiện tại và quá khứ cùng đan xen trong khoảnh khắc. Xe lại đưa tôi qua những con đường nhiều cây xanh với những căn biệt thự trắng toát kiểu thuộc địa, nhưng tôi vẫn chưa ngửi được mùi hoa sữa. Anh lái xe trấn an tôi : “ Cây nó chưa nở hoa nên không có mùi thơm. Khi nào đi ngang qua những cây đang nở hoa, bác sẽ ngửi thấy ngay,”. Trời đã tối hẳn, gió mát rượi thổi từ mặt hồ xanh thẫm, tôi khoan khoái hít  thở cái không khí có vẻ  HN ấy, bất chợt một mùi hương nồng nàn thoảng bay trùm lấy tôi. Tôi háo hức hỏi người bạn đi cùng : “Ông có ngửi thấy mùi thơm không ?”. Hắn ta gật đầu lia lịa trả lời : “ Thơm, thơm quá !”. Nhiệm vụ hoàn thành. Nhưng mà chưa hết, chúng tôi còn được tặng thưởng. Sau khi lướt qua đoạn đường “hoa sữa”, chúng tôi bỗng ngửi thấy một  mùi hương quý phái và quen thuộc, hương ngọc lan, và vẫn chưa hết, khi đến cuối đường, môt cây hoa sứ nở đầy hoa cũng đang ra sức toả hương. Thật khó tin khi trên cùng một con đường, chỉ trong vài ba phút, người ta lại có thể thưởng thức ba mùi hương khác nhau. Một dạ tiệc khứu giác khá thịnh soạn.
From HANOI MORNING
                Thấy chưa đến giờ tập trung đoàn để đi ăn tối, tôi bảo bác xe ôm : “ Nghe nói bia hơi HN ngon lắm, anh chở tôi đến chỗ nào có bán bia, tôi mời anh uống với tôi một ly.”. Chúng tôi ghé vào một quán bia hơi bán ở lề đường, đâu gần bách thảo thì phải. Quán rất đông khách, khung cảnh náo nhiệt cũng chả khác gì một quán nhậu ở SG, nhưng bia thì có khác. Trước tiên là ở HN người ta không uống đá, chỉ dùng bia uớp lạnh, kế đến bia HN có vị êm dịu và ngọt hơn các loại bia khác. Giá mỗi ly bia là 4000đ. Một người đàn ông trung niên, dáng vẻ bặm trợn khi biết chúng tôi từ SG ra đã vung tay nói : “Ở trong SG đéo có bia nào ngon !”. Tôi cũng đành im lặng.
                Sau đó chúng tôi trở về khách sạn và cùng đi ăn tối chung với cả đoàn tại một nhà hàng sang trọng và đắt tiền nhưng thức ăn thì chất lượng chỉ đáng 2* thôi.
                Sáng hôm sau tôi dậy sớm, vén màn cửa nhìn ra ngoài thấy sương mờ giăng giăng. Lên đường thôi kẻo uổng phí, một ngày đẹp đang chờ ta. Vội vã ăn điểm tâm, bác xe ôm quen đã chờ sẵn, chúng ôi bắt đầu tua “Good morning Hanoi”.
          Đi ngang hồ Trúc Bạch và hồ Tây tôi thấy rất nhiều người đang tập thể dục. Thể dục buổi sáng thì ở đâu chẳng có, nhưng vừa đứng múa may dưới rặng liễu rũ ở bờ một cái hồ, lại hướng mắt nhìn ra một cái hồ khác mịt mờ sương trắng giăng giăng thì dân ở đây quả là sướng.
From HANOI MORNING
          Trên đường đi chúng tôi ghé ngang ô Quan Chưởng. HN xưa có 5 cửa ô thì giờ chỉ còn sót lại mỗi cửa ô này. Một cửa thành xây bằng gạch nung in đậm dấu thời gian. Chúng tôi nghịch ngợm, mỗi đứa làm bộ đứng tựa vào cửa ô giở báo ra đọc, rồi chụp hình lưu niệm, ý khoe rằng đọc báo chỗ này mới oai. Sát cạnh đó là một cái chợ bán đủ các thứ sản vật địa phương. Những quả cà pháo chỉ nhỉnh hơn viên bi ve một chút màu xanh như ngọc bích chen lẫn những quả cà bát tím thẫm, rồi cà chua đỏ mọng bên cạnh những bó rau lang, rau muống tươi non. Tôi thấy có một cô bán nhộng và những con châu chấu hay cào cào non gì đó, thấy có cả lá chanh, chắc để ăn kèm với nhộng.
From HANOI MORNING
From HANOI MORNING
          Rời khỏi chợ chúng tôi hướng về hồ Hoàn Kiếm.
From HANOI MORNING
Thấy công an đứng chặn hết các ngả đường không cho xe cộ lưu thông, hỏi ra mới biết hôm nay thành phố tổ chức một cuộc chạy đua truyền thống quanh hồ. Tôi lang thang ngay chỗ đền Ngọc Sơn chờ các vận động viên chạy qua để chụp vài tấm hình. Chiếc cầu Thê Húc đỏ rực đã quá nổi tiếng sẽ làm bối cảnh cho cuộc đua. Tốc độ để máy chậm sẽ làm các bóng người hơi chao mờ. Tôi cũng chọn chiếc cổng của đền Ngọc Sơn với Tháp Bút vươn cao làm bối cảnh cho một bức ảnh khác.
From HANOI MORNING
Cha ông ta ngày xưa ghê thật , hình ảnh chiếc bút chĩa thẳng lên trời kèm ba chữ “tả thanh thiên” - viết lên trời xanh- bày tỏ một chí khí ngạo nghễ làm sao.
          Tại đây chúng tôi gặp thêm một số bạn bè kháccũng ra HN dự hội nghị. Chúng tôi nhập chung lại thành một đoàn để cùng viếng thăm một nơi rất nổi tiếng – Văn miếu Quốc tử giám.
          Tôi dè dặt bước chân trên những viên gạch mà xưa kia biết bao sĩ phu bắc hà đã đến đây dùi mài kinh sử. Tôi kínhcẩn nghiêng mình trước hàng hàng lớp lớp những tấm bia đá chạm khắc tên tuổi của những bậc hiền tài. Có rất nhiều người đến chạm tay vào đầu những cụ rùa đội bia đề cầu may mắn cho con đường học vấn của mình.
From HANOI MORNING
From HANOI MORNING

Tôi thở dài cám cảnh mình học hành dốt nát dở dang chả biết bao giờ bảng hổ mới đề danh. Ngước lên Khuê văn các với vầng sao khuê chói lọi những tia sáng màu đỏ mới thấy cha ông ta ngày xưa quý trọng việc học biết bao. Nơi này xưa kia biết bao văn nhân đã từng xướng hoạ nghững vần thơ trác tuyệt. Vào sâu bên trong là nhà Thái học, đó chính là trường đại họcđầu tiên của nước Việt. Nhìn những mái ngói đỏ tươi trùng điệp, những lối đi rêu phủ, những viên gạch cổ kính của tường thành được xây dựng từ đời Lý, lòng tôi chợt dâng lên một cảm xúc khó tả.
Tôi khẽ chạm tay vào bức tường thành để cảm nhận cái nghìn xưa đang trở về.
From HANOI Street Life

          Nghĩ hoài đến việc học khiến đầu óc hơi căng thẳng, tôi lò mò tiến đến gần một đám du khác đang bu quanh một khoảng sân mà từ đó vang vọng tiếng đàn tiếng sáoNhững cô gái trong tà áo tứ thân đang trình diễn các nhạc cụ dân tộc. Những ánh mắt, nụ cười lúng liếng chắc hẳn đã một thời làm siêu lòng không ít những thầy đồ thầy khoá của ngày xưa ấy.
From HANOI MORNING
          Khi rời khỏi Văn miếu, tôi cố ý đi sát bức tuờng gạch cổ kính bao bọc chốn thâm nghiêm này để cảm nhận môt cái gì đó thiêng liêng, bất chợt một mùi khai nồng nặc xôngvào lỗ mũi. Các đoàn xe du lịch đậu dài chờ khách và các bác tài trong khi chờ đợi đã trút hết nỗi niềm vào bức tường Văn miếu ! Chúng tôi vội vã băng qua đường để tránh xa cái mùi khai ấy và lọt vào một cửa hàng bán rượu vang. Không khí mát lạnh và ánh sáng mờ dịu của hầm rượu làm chúng tôi bớt căng thẳng sau khi cảm nhận “ bức tường văn miếu”.Chúng tôi nhìn ngắm những chai rượu đắt tiền và thầm nghĩ người HN quả thật sành sỏi, vừa học giỏi lại vừa biết tận hưởng  thú nhâm nhi.
From HANOI MORNING
          Đến đây thì ai nấy cũng mệt lả ra rồi, hồn thiêng sông núi cũng chịu thua những réo gào của bao tử và sự rã rời của đôi chân. May thay vừa lúc đó chuông điện thoại réo vang, cô bạn người HN rủ đi ăn lòng heo. OK, đến ngay phố Cầu Gỗ nhéQuán cóc kê lỏng chỏng vài cái bàn ở vỉa hè, các món ăn gồm có lòng heo,tiết canh, đậu hũ rán chấm mắm tôm ăn với bún.
From HANOI MORNING


Vừa đói vừa lạ miệng, lại thêm tiết thu HN, chúng tôi ăn không kịp khép miệng. Chén rượu nếp thơm ngọt, nồng nàn như siết thêm tình thân hữu. Bỗng có tiếng bà chủ quán vang lên với cái giọng Bắc đặc sệt : “ Nắng BỎ MẸ mà ngồi ăn cái gì ! Dọn qua chỗ kia cho mát.”. Cả bọn cứ nhại theo cái  giọng ‘bỏ mẹ’ ấy và cười lăn cười bò. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Tuy nhiên để kéo dài, chúng tôi kéo nhau đi uống café phố cổ.
Đến số 11 Hàng Gai, đi luồn theo một cái ngách nhỏ thấy hiện lên tấm bảng “Café Nhà Trong- Café Inside”.


From HANOI Street Life
From HANOI Street Life
Hoá ra nhà được phân làm hai. Nhà ngoài bán tranh,nhà trong bán café. Thoát ra cái ngác  tối tăm , chúng tôi lọt vào một khoảng sân trong khá rộng. Nắng thu lọt qua tán lá xanh tạo thành một thứ ánh sáng trong trẻo. Sau khi leo lên 4 tầng gác, chúng tôi vừa thở vừa ngắm toàn cảnh hồ Hoàn Kiếm từ trên cao, kể cũng bõ công.
From HANOI Street Life
From HANOI Street Life


 Hàn huyên chán, chúng tôi quay về khách sạn để nghỉ ngơi một chút, giữ sức chuẩn bị cho tour chiều. Riêng tôi có hẹn với mấy người bạn tại trung tâm hội nghị nên bắt xe ôm tới đó. Trời ơi nếu biết nó xa gần bằng quãng đường từ SG đi Thủ Đức thì tôi cũng chả dại đội nắng đội gió đi làm gì cho mệt. Đến nơi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi lao vọt vào hội trường. Đang ngơ ngác tìm chỗ ngồi, tôi nghe có tiếng xầm xì và nhiều ánh mắt hướng về phía tôi ánh lên chút giễu cợt. Có ai đó nói : “ Cha này đi săn ảnh chứ đi hội nghị cái gì !”. Thì ra nhìn tôi trong bộ dạng quần jean áo thun, mồ hoi mồ kê nhễ nhãi kèm theo một mớ ống kính, máy ảnh lỉnh kỉnh trên người chả có gì tương hợp với những cặp mắt kính sáng lấp lánh rạng ngời tri thức đang ngồi đặc kín hội trường. Ở cái sân khấu tít trên cao, một giáo sư nào đó đang nói về một điều gì đó. Tôi ngồi nghe ông nói mà hồn thì đang bay tít tận hồ Gươm. Nghe một hồi hoá ra ông GS trình bày một nghiên cứu đã công bố cách đây 5-6 năm và kết luận rằng dùng thuốc X để trị bệnh Y thì tốt hơn thuốc Z. Lại thêmmột bài nói mướn tầm thuờng thuận lợi cho ai đó. Tôi vượt hơn ngàn cây số tới đây đâu phải để nghe những bài tụng ca kiểu này. Tôi phải trở về với mùa thu HN thôi, ngay bây giờ. Xe ôm đưa tôi về lại phố cổ HN. Những con đường đi tới đi lui nhiều lần dường như đã nhuốm chút thân quen. Ngang qua nhà thờ lớn HN, nhằm ngày Chúa Nhật, cácgiáo dân đang vòng tay khấn nguyện, tôi dừng xe bấm vội môt tấm hình với tiền cảnh nón là hànhkhất nhỏ nhoi trước ngôi nhà của Chúa.
From HANOI Street Life
May mắn chợt đến khi thấy hai thiếu nữ mặc áo dài đang ưỡn ẹo làm dáng để chụp hình.
From HANOI Street Life
Tôi xin chụp ké và thế là thêm được một tấm giới thiệu dung nhan thiếu nữ Hà thành. Đi suốt buổi chiều, tôi cảm thấy hơi đuối nên bảo anh xe ôm chở tôi đến tiệm phở Bát Đànmột tiệm phở gia truyền nổi tiếng của HN. Tội nghiệp anh xe ôm chạy tuyến ngoại ô chả biết Bát Đàn ở đâu, tôi phải giở bản đồ chỉ đường cho anh ấy và lẽ dĩ nhiên anh ấy cũng chả bao giờ có dịp ăn phở HN dù đang ở ngay HN. Tới quán phở, hai anh em hiên ngang buớc vào kéo ghế ngồi và hô lớn : “ Cho hai tô tái nạm đi!”. Đáp lại chúng tôi là một sự im lặng khó hiểu . Chả có ai đoái hoài gì đến hai chúng tôi. Chịu khó quan sát đi anh bạn. Thì ra khách phải tự xếp hàng ở trước quầy  bán phở để order. Sau khi nộp tiền thì khôn hồn đứng né sang môt bên để chờ người ta múc phở, sau đó thì tự bưng lấy về bàn mà ăn. Nhưng phải công nhận cái phở gia truyền này nó ngon thật sự, nước dùng ngọt thơm mà không quá béo, thịt chín mềm mà không quá nát. Đến đây phải thú nhận rằng tôi thực sự bầm dập sau một ngày say sưa với HN. Buổi tối tôi bỏ bữa ăn chung với đoàn để đi lang thang kiếm chút quà vặt. Bát miến ngan thơm ngậy giúp tôi lại sức. Những thành viên trong đoàn nghe tôi ca ngợi mùi hoa sữa bèn đòi làm một vòng đi dạo quanh những con đường đẹp và thơm.Tuy nhiên tối nay dường như mọi người đều đổ ra đường hay sao ấy nên hít hà hoài mà chỉ có mùi khói xăng và bụi. Chợt tôi ngửi thấy mùi thơm nhưng sao hơi gắt không giống mùi hương hoa thoang thoảng chiều hôm tước. Và cái mùi này kéo dài qua nhiều đường phố. Lạ thật đấy !  Hoá ra chúng tôi chạy sau xe của cô bạn dẫn đường và chiều nay ra phố nàng đã xức nước hoa hơi quá liều !  Mấy người bạn không thưởng thức được hương hoa cứ tiếc hùi hụi. Tôi bảo : “ Kinh nghiệm khi đi du lịch là tính làm gì thì phải làm liền. Tụi bay ham ở khách sạn, tắm rửa ngủ nghê thì ráng chịu.” Tôi chợt nhớ câu : “ Người ta không bao giờ tắm trên cùng một dòng sông.”. Sau đó cả nhóm đến một trà quán. Khách được mời ngồi xếp bằng trên những cái chõng tre. Ánh sáng vàng vọt gợi một thuở thiếu điện và nhạc Trịnh giúp đưa hồn phiêu lãng tí chút. Chúng tôi gọi một ấm trà ướp sen  và một ấm “Bạch ngọc hoa” – trà ướp bằng năm loại hoa trắng. Mỗi ấm trà to cỡ quả quýt và chén uống trà thì bằng cái hột mít. Uống trà nhâm nhi cùng bánh đậu xanh và một vài loại ô mai. Trà ở đây thơm thật, ngát mùi tự nhiên của hoa cỏ. Thấy tốc độ uống của chúng tôi hơi nhanh, cậu phục vụ lo ngại hỏi : “ Thưa quý khách thích đối ẩm hay quần ẩm ạ ?”. Cô bạn tôi giải thích : “Đối ẩm là loại ấm nhỏ dành cho một hay hai người thưởng thức. còn quần ẩm là uống tập thể, đông người.” Tôi cười và chọc cậu phục vụ : “ Cho mấy chú loại ngưu ẩm được không cháu ?” . Hàn huyên đến 10 giờ tối thì tan hàng, ai về nhà nấy. Tôi chợt nổi hứng : “ Thôi các cậu về trước đi, tớ ghé nhà người quen môt chút rồi về sau.”
          Tôi lấy điện thoại ra và bắt đầu bấm số 0904567XXX . Hàng số thân quen mà biết bao lần tôi đã nhập số nhưng lại ngại ngần chả gọi. Nhưng hôm nay tôi phải gọi, ngay bây giờ. Tiếng người con gái vang lên : “ Alô !”. “ Anh đây!” . Tôi sợ nhất là nghe câu hỏi : “ Anh là ai ?”.  Nhưng may quá nàng nói ngay : “Ôi anh đấyhả ? Anh có khoẻ không ? Có chuyện gì không anh  ?” . “ Chả có gì ! Anhnhớ em và anh đang ở HN đây. Anh ghé qua em nhé  ?”. “ Vâng ! Em chờ anh ạ.”. Tôi đi bộ ra đầu phố đón xe ôm. Tên nàng là Thu, Nguyễn thị Hoài Thu, nàng là mối tình đầu của tôi khi cònlà sinh viện. Tôi quen nàng khi học thêm tại một trung tâm sinh ngữ. Quen nhau, rồi yêu nhau, nắm taynhau, đi chơi, hẹn hò , hôn nhau … như bao nhiêu đôi tình nhân khác. Nhưng rồi chúng tôi đành phải xa nhau. Con gái một thượng tá công an thì cũng khó đi đôi với con trai một sĩ quan vừa đi họctập cải tạo về. Nàng theo gia đình trở lại HN và lấy chồng. Tôi học tiếp ra trường  và cũng lấy vợ. Một câu chuyện bình thường của những cá thể nhỏ nhoi trong đám đông xã hội. Nhưng đối với người trong cuộc thì khác. Những gịot nước mắt ngày chia tay đã kéo dài nhiều năm cho đến tận bây giờ. Mỗi khi nghĩ đến nàng, lòng tôi lại quặn đau, tôi luôn có cảm giác là mình đã mất đi một cái gì đó rất quý giá. Tôi luôn mơ uớc được ở bên nàng nhưng mọi chuyện chỉ ở mức thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại nóivài câu vớ vẩn và hỏi nàng có còn nhớ tôi không, bức tường nghĩa vụ và đạo lý vẫn còn đây. Xe chạy khoảng 15 phút thì đến quận Cầu Giấy, nàng có một quán café nhỏ ở khu này. Đã hơn 10 giờ, quán chẳng còn ai. Tối nay Thu mặc một cái áo pull đen tay dài cùng với một cái váy ngắn cũng màu đen in hình những bông cúc trắng. Dáng nàng thon thả và da trắng nên nhìn nàng như một bông hoa mảnh mai e ấp trong bóng tối mờ mờ của quán. Chúng tôi trao nhau những ánh mắt. Nàng kéo ghế ngồi cạnh tôi, mùi café từ cái filtre toả hơi ấm thơm nồng nàn. Thu đứng dậy loay hoay đổi đĩa nhạc. “ Anh nghe bài này nhé.” Nhạc vang lên thánh thót, đó là bài hát mà chúng tôi đã cùng nghe vào những phút cuối cùng bên nhau. Một bài nhạcNhật có lời Việt. “ Tình yêu em ơi cút bắt trò chơi, em đã trốn khi anh đuổi  tìm …”. Thu ơi , sao anh chẳng thể nào quên em được. Ngồi bên một người đàn bà đẹp, nghe một bản nhạc đầy ắp kỷ niệm giữa mùa thu HN, cảm giác thật tuyệt. Tôi muốn ôm siết nàng thật chặt và hét lên rằng anh yêu em. Nhưng đó chỉ là ý tưởng thôi chứ thực tế đời thường thì chúng tôi đang hỏi thăm nhau về thằng Tí, con Mi - những đứa con ngoan của nhà tôi và của nhà nàng. Tôi không bao giờ hỏi thăm về chồng nàng và Thu cũng không đá động gì đến vợ tôi. Chúng tôi như hai đứa trẻ đang chơi một trò chơi với những luật lệ riêng của nó. Những giọt café đã cạn dần, kim đồng hồ đã nhích đến gần nửa đêm. “ Thôi anh về nha.” Chúng tôi lại trao nhau những ánh mắt. Tôi hỏi : “ Em có còn yêu anh không ?”. “ Thì anhbiết rồi đó.” “ Nhưng anh muốn em trả lời cơ.” “ Nàng e thẹn cúi đầu khẽ nói : “ Thì có chứ. Cái anhnày hỏi kỳ quá !” Nàng nhìn tôi, mắt nàng mở to thật ngây thơ. Nó chẳng bao giờ giấu giếm điều gì. Hai chúng tôi sánh buớc ra khỏi quán. Đường xá vắng tanh, chả còn ai đi lại vào giờ này. Thu nói khẽ : “ Hay để em đưa anh về ?”.  “Khuya quá rồi, em đi có phiền gì không  ?”. “Không sao đâu anh. Mà anh ở đường nào vậy ?”. Tôi chợt bật cười. Mấy ngày nay say sưa lăn lộn hết bờ hồ lại đếnphố cổ, tôi không hề để ý đến tên con đường nơi tôi ở trọ. “ Anh không nhớ tên đường. Anh ở khách sạn S. ngay cạnh hồ Tây”. “ Thôi được em sẽ đi về hướng hồ Tây”. Trời về khuya đường vắng, Thu chạy xe nhanh nên gió thổi lồng lộng. Những sợi tóc của nàng bay mơn man trên mặt tôi. Chúng tôi đi qua những con đường rất yên tĩnh và có nhiều cây. Tôi hít thở sâu cái không khí tươi mát ấy. Chợt một mùi hưong toả ngát không gian, tôi biết mình vừa đi ngang một cái cây đang nở hoa. Mùi tóc của Thu cũng phảng phất quyện lẫn hương hoa sữa. Tôi khẽ đặt tay lên eo nàng và tựa đầu lên vai em. “ Thu ơi ! Anh yêu  em”. Nàng khẽ mỉm cười siết nhẹ tay tôi. Mùi  hoa và mùi tóc quyện vào nhau làm tôi ngây ngất. Từ xa tôi chỉ cho nàng ánh đèn từ biển hiệu của khách sạn mà tôi đang ở. Xe dừng lại trước cổng. Tôi bước xuống, chúng tôi lại nhìn nhau. Tôi chợt thốt ra một câu rất ngớ ngẩn : “ Hay anh với em đi đâu đó uống café nữa nhé !”.  Tôi quên rằng tôi và nàng vừa mới uống café cách đây chưa đầy nửa tiếng. Tôi muốn ngồi bên em hết cả đêm nay. Nàng khẽ nói : “ Không được đâu anh. Em phải về thôi !”. Nàng quay xe lại, ánh đèn đỏ sau xe xa dần và biến mất sau khúc quanh của con đường trước khách sạn. Con đường mà sau này tôi biết tên là đường Xuân Diệu. Đúng là : “ Yêu là chết trong lòng một ít …” . Đêm đó hầu như tôi không ngủ. Mùa thu đã ra đi.
          Sáng hôm sau tôi dành trọn cho phố cổ. Tôi lang thang, sục sạo một cách ngẫu nhiên trên những con đường chật hẹp đông đúc. Tán chuyện vớimấy anh phu khuân vác đang tụ tập hút thuốc lào,
From HANOI Street Life
ngồi nhâm nhi một chén chè nóng ở góc phố, khẽ nhón mấyhạt cốm đầu mùa gói trong là sen nõn nà. Café chỗ Hàng Đường đông khách và khá ngon. Café Lâm với những bức tường đặc kín tranh. Những danh hoạ từ thập niên 50-60 đã đến đây và đổi tranh lấy tiền mua giấy và màu vẽ, cũng như lấy những ly café. Những chàng trai và những cô gái đang thảnh thơi ngồi nhâm nhi các thức uống không biết có nghĩ rằng mình đang ở trong một không gian vô giá.
From HANOI Street Life
Tôi cứ đi và cứ nhìn ngắm cho đến mãi tận trưa. Cả đoàn dùng cơm tại một nhà hàng cũng lại sang trọng và đắt tiền nhưng thức ăn cũng lại 2* ! Xe chở chúng tôi một vòng quanh hồ HoànKiếm.  Tại đây tôi đã bấm nốt những tấm ảnh cuối cùng của chuyến đi này.

          Chuyến bay cất cánh lúc 6 giờ chiều. Tôi sợ nhất những chuyến bay lúc hoàng hôn vì nó luôn gợi cho tôi một cảm giác buồn bã. Trời đã nhập nhoè tối, tôi lại muốn gọi điện cho Thu. Những ngón tay lại ngập ngừng trên hàng phím thân quen. Thôi ! Như vậy là đã quá đủ rồi, mình cũng không nên cố níu kéo. Tôi
nhắm mắt lại, HN đang xa dần. Mùa thu đang xa dần.
From HANOI MORNING
23 CommentsChronological   Reverse   Threaded
mayhong2009 wrote on Oct 2, '09
Hình ảnh đẹp tuyệt nhưng chữ nhỏ quá anh ơi,
andropause wrote on Oct 2, '09
Bài này chỉ là phần phụ thêm của bài gốc đã đăng thôi. Viết to sợ nhàm. Mê HN quá nên phải cố 'đẻ' ra bài này !!!
kgiaoru wrote on Nov 16, '09
Hình ảnh đẹp tuyệt nhưng chữ nhỏ quá anh ơi, 
bạn này nói đúng đấy ạ, đuwocj cái cái dòng chữ phở Bát Dàn thì tương đối to hihih làm em đọc rõ nhát và giờ thì đang chết thèm chết nhạt vì thèm đây hihihih
giaogia wrote on Oct 5, '09
Cám ơn Andro cho GG cái nhìn mới về Hà Nội, GG sinh ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ về thăm vì cứ sợ sẽ phải thấy những phản cảm làm mất cảm nhận thiêng liêng về chốn ngàn năm văn vật này.
_ GG cũng căng mắt để đọc mặc dù đã zoom lên mấy lần, muốn đọc lại nhiều lần .....nhưng chịu thua .
andropause wrote on Oct 6, '09
Anh GG ơi, bài này phần text nó y chang bài Mùa thu đã post trước đó nên anh thích thì vô đó coi. Yêu hay ghét là do mình anh ơi. Bà xã em là bà ghét thậm tệ, bà rất ngạc nhiên khi thấy em thích HN.
menam0 wrote on Oct 8, '09
Anh edit lại font được hông? Em đọc mùh đóan làm giảm cảm xúc hết trơn :)
andropause wrote on Oct 8, '09
menam0 said
Anh edit lại font được hông? Em đọc mùh đóan làm giảm cảm xúc hết trơn :) 
Sẵn sàng thôi .
noidautinhco22 wrote on Oct 19, '09
gan quá!anh kg sợ đàn ông bắc nó ghen nó bắn chết!!hihihihihi
hoakhe wrote on Oct 21, '09
BS lãng mạn ghê đó. Em chưa bao giờ tới HN, chỉ đọc qua sách vở và mơ 1 ngày nào đó được viếng thăm 1 lần.

Mấy tấm hình anh chụp đẹp lắm, lung linh lắm, và rất thơ mộng, nhìn hình là thấy cái hồn của anh trong đó.

Mà sao anh dám chi tiết vụ đi thăm người xưa vậy, không sợ chị ghen à.
andropause wrote on Oct 23, '09
hoakhe said
Mà sao anh dám chi tiết vụ đi thăm người xưa vậy, không sợ chị ghen à. 
Cám ơn hoa khe da ghe thăm. Thích thì viết thôi. Lúc viết xong sợ quá dấu tiệt. Nhưng sau đó cũng bị lộ bem. Em nói :" Đọc xong em lạnh hết cả người." Mình trả lời :" Mấy cái này là hư cấu, em để ý chi cho mệt".
kgiaoru wrote on Oct 25, '09, edited on Oct 25, '09
mấy tấm hình về hn đều đẹp quá, hihi nhà iem ko biết nhà bác bên này nên xưng hô thế nào thôi cứ gọi là bác xưng em nhé hihihi
vuvang wrote on Nov 15, '09
Chào anh. Anh viết bài hay quá. Vài bữa có dịp đi hội nghị sẽ đi cùng anh. Anh làm em nhớ Hà Nội quá.
pho24 wrote on Jan 4, '10
Ah, bây giờ mới để ý .. hôm trước em đọc mỗi bài này thôi và tí tóe :)
anhoang365 wrote on Jun 16, '10
Cám ơn doc, hay quá!
lamlam11782 wrote on Sep 9, '10
Bữa nay về thăm nhà người chị em, thấy hoa sữa nở lại nhớ bài này của anh. Nhà anh có gần chợ Hoàng Hoa Thám không, em giới thiệu ngõ nhà người chị em vừa có hoa sữa vừa có hoa ngọc lan, nhưng không có cafe :D. Dù sao ở SG có hoa sữa cũng như gặp lại 1 chút gì HN...
andropause wrote on Sep 14, '10
em giới thiệu ngõ nhà người chị em vừa có hoa sữa vừa có hoa ngọc lan, 
Thỉnh thoảng anh cũng có đi qua Hoàng Hoa Thám (q Tân Bình phải không). lamlam chỉ cho anh cái ngõ ấy nhá.
lamlam11782 wrote on Sep 9, '10
ah, mới đây em đọc được hồi ký của bác Tô Hải, đọc lại bài này mới hiểu cafe Lâm là sao...
Comment deleted at the request of the author.
lamlam11782 wrote on Sep 14, '10, edited on Sep 14, '10
Ngõ 266 Hoàng Hoa Thám (gần sân bay trực thăng), đi qua 1 cái nhà ở trên còn dưới là đường đi (hic, em không biết mô tả lắm). Đến ngã tư thì ngay chỗ góc Đông Nam có cây ngọc lan, còn cây hoa sữa ở chỗ nhà 266/11 thì phải. Anh đi mà có duyên với hoa thì sẽ gặp ngay. Nhưng hoa sữa thì thơm, chứ ít khi được chụp hình vì không đẹp, nhất là khi gặp mưa. Thực ra ở TP bây giờ em thấy có nhiều chỗ có hoa sữa: ở góc Nguyễn Thị Minh Khai - CMT8 cũng có 1 cây - cây này rất to (theo khứu giác của em!), ở Phú Mỹ Hưng cũng có ở gần khu đèn xanh đèn đỏ bên phía có Coop Mart, ở Q4 chỗ khu vui chơi trẻ em gần siêu thị Vinatex cũng có 1 cây. (Lan man quá, nhưng lỡ kể rồi kể cho anh nghe luôn)
andropause wrote on Sep 16, '10
Ngõ 266 Hoàng Hoa Thám (gần sân bay trực thăng), đi qua 1 cái nhà ở trên còn dưới là đường đi (hic, em không biết mô tả lắm). Đến ngã tư thì ngay chỗ góc Đông Nam có cây ngọc lan, còn cây hoa sữa ở chỗ nhà 266/11 thì phải. Anh đi mà có duyên với hoa thì sẽ gặp ngay. Nhưng hoa sữa thì thơm, chứ ít khi được chụp hình vì không đẹp, nhất là khi gặp mưa. 
Cám ơm lamlam nhá. Khi nào đến mùa hoa nở anh sẽ đi thử xem sao.
lamlam11782 wrote on Sep 14, '10
Nhà em ngày xưa ở Thái Bình, còn nhớ có nguyên 1 đường toàn hoa sữa, là đường Hai Bà Trưng, trước gọi là đường Trưng Trắc. Người lạ đến chịu không nổi vì mùi hương nồng quá.
coitam wrote on Apr 4, '11, edited on Apr 4, '11
Opps ! Giống nhau quá xá, Andro hén ! Andro viết rất chi tiết và tỉ mỉ hơn Coitam nhiều. Lại còn thêm khoảng hấp dẫn tóc và hoa sữa nữa...hihi. Khả năng viết của Coitam có hạn lắm.

Đồng ý lập hội thôi.

hì hì

P.S : Mách với anh thêm một địa chỉ nữa : quán phở Thìn nằm ngay trên phố Lý Thái Tổ (đi từ nhà thờ Hàm Long ra đến bùng binh ngã năm, hình như vậy :D ). Ở đó có món phở măm măm ngon ngon. Còn bún ngan thì cứ ngay góc Hàm Long - Trần Hưng Đạo bán rất khuya, ngan, măng khô và bún và bia...ngon lạnh lùng luôn : ))
andropause wrote on Apr 13, '11
coitam said
Opps ! Giống nhau quá xá, Andro hén ! Andro viết rất chi tiết và tỉ mỉ hơn Coitam nhiều. Lại còn thêm khoảng hấp dẫn tóc và hoa sữa nữa...hihi. Khả năng viết của Coitam có hạn lắm.

Đồng ý lập hội thôi.

hì hì
 
@ coitam hehehheehehe
Add a Comment
     

Viewing History

Viewed 78 times by 33 people, latest on Jul 27, '11
Viewing History
View This Page as Another User

No comments:

Post a Comment