Friday 10 August 2012

PHÚ QUÔC 2010 - gặp lại cố nhân

Sau màn gameshow, chúng tôi kéo nhau đi tắm biển. Trời nóng mà được vẫy vùng trong sóng nước thì tuyệt quá rồi. Tuy nhiên bãi biển ngay trước Saigon- Phú Quốc resort & spa thật đáng thất vọng. Nước đục, mùi hơi hôi hôi, rất nhiều đá ở dưới, và kinh khủng nhất là khi đang bơi lại vướng vào vô số túi nylon đen thui trôi lềnh bềnh. Chỉ có tiết mục lên cầu phao nhảy chúi là vui. Các BS biểu diễn nhiều kiểu plongeon, chắc ai cũng nhớ lại thời thơ ấu thưở mới tập bơi của mình.
Buổi tối là chương trình Gala Dinner, chắc hẳn là rất vui nhưng tôi rất tiếc là không tham gia được vì phải tranh thủ đi thăm mấy chỗ quen biết.
Đầu tiên Dũng- kỹ sư xây dựng trên đảo- dắt tôi đi ăn tối tại nhà hàng Sông Xanh. Nhà hàng tọa lạc ngay sát bờ sông Dương Đông. Chúng tôi thưởng thức món gỏi cá trích, cá mang ếch chiên xù, cồi biên mai nướng, sò điệp nướng và cá mú nấu ngót. Ăn lại gỏi cá trích lần thứ hai nhưng tôi vẫn thấy ngon. Sau đó mọi người về nhà Dũng để khám bệnh cho bà cụ mẹ của Dũng. Vì không có ống nghe và máy đo huyết áp nên tôi chuyển qua bắt mạch kiểu đông y sĩ lang vườn. Đẻ ra một cái toa dài thòng vì cụ già nhiều bệnh quá. Sau đó toa được sao lại và gủi SMS ngay trong đêm về SG để mua, ngày mai chuyên cơ ATR sẽ chuyển thuốc đến tay người bệnh ! Đúng là thời buổi số hóa. Nghe tin BS thành phố ra, vài người hàng xóm kéo tới nhờ xem bệnh. Tôi lại trổ tài bắt mạch, kê toa. Hiệu quả chưa biết nhưng hậu quả thì ngay lập tức vì bệnh nhân chắc chắn sẽ phải tốn tiền mua thuốc !!!
  Anh Tân - chuyên viên dự án và thông dịch viên
 

Dũng lại chở tôi ra Dinh Cậu thăm chợ đêm và đi uống café tại một quán nhỏ. Ở đây có thêm Tân, cũng là dân gốc PQ, trước dạy anh văn ở SG nay về làm chuyên viên dự án và thông dịch viên. Đi đâu Tân cũng kè kè cái laptop hiệu HP và một mớ giấy tờ. Tân lấy laptop ra và bắt đầu ‘connect’. Tôi hỏi Tân : ngồi giữa đường sao có sóng wi-fi ? Hắn cười ồ nói anh nhà quê quá , xem nè. Hắn chỉ cho tôi cái cục nhỏ nhỏ gắn vào cổng USB và giải thích : Đây là công nghệ 3G, anh có thể truy cập ở mọi nơi, mọi lúc, miễn là có sóng điện thoại. Nhờ có wifi, tôi giới thiệu cho bà con Phú Quốc các hình ảnh mà tôi đã chụp tại vùng đất này vào các chuyến đi trước. Họ nhìn tấm hình chụp mấy con cá và thi nhau kể tên các loại cá, loại ốc thật vui nhộn. Vì là quán quen nên muốn ngồi đến chừng nào cũng được. Chúng tôi ngồi xem TV trận chung kết C1, đến 2 giờ sáng thì tôi mắt nhắm mắt mở mò về phòng. Một ngày thật đẹp đã trôi qua. Giấc ngủ không mộng mị nhanh chóng ập đến và tôi thức dậy vào 7h30 sáng hôm sau.
Theo chương trình thì xe sẽ chở chúng tôi đi tham quan nhà bảo tàng và nơi nuôi cấy ngọc trai. Riêng tôi còn lời hứa tìm gặp bà cụ bán thuốc nam nơi chân cầu nên thuê taxi ra chợ Dương Đông. Đến nơi tôi rất thất vọng vì không thấy bóng dáng bà cụ năm xưa dù hàng thuốc vẫn còn đó. Con cháu bà hay một ai khác đã kế nghiệp ? Tôi đi lang thang trên cái cầu phao và thấy có nhiều trẻ em đang lặn mò bắt cá.


Thuyền chở cá về làm nước mắm
 
Cá dùng để làm nước mắm

Trong khi các ông ra khơi đánh cá thì các chị ngồi vá lưới

Hóa ra hôm nay cá bị ‘say’, do nhà máy xả nước thải ra sông làm cá lờ đờ hổng thèm bơi, tụi nhỏ chỉ cần thò tay hay lấy chậu vớt. Những chú bé đen nhẻm, bơi lội như rái, hết leo lên bờ lại phóng xuống sông nhanh như cắt. Những cô bé bận đồ bộ đi theo chỉ chỏ : “Cá chỗ kia kìa ! Mau lên !”. Người đi đường cũng xúm đen xúm đỏ làm cây cầu trở nên huyên náo.


From Phu Quoc 2010 Selec (2)

 Tôi chú ý đến một chú bé đang đeo vắt vẻo trên một cây cột nhô cao khỏi mặt nước. Chú luôn hết xoay hướng này lại nhìn hướng khác để tìm ‘luồng cá’. Miệng chú chửi thề liên tục : “Đ.M.  cá kìa ! Mau lên bây”. “Đ.M. thằng kia lặn xa quá kêu nó không nghe”. Tôi đứng xem một hồi nói với mấy đứa đứng trên bờ : “Đ.M. Cái thằng kia nó chủi thề liên tục !”.
Đây là cái thằng nhỏ hay chửi thề


Sau đó tôi đi bộ dọc theo cây cầu và quay trở lại. Từ xa tôi ngóng về phía chân cầu và thấy một bóng dáng quen quen. A bà cụ năm xưa đây rồi.


Trông bà già hơn hẳn, ốm và xanh xao. Tôi ngồi xuống cạnh bà khẽ nắm bàn tay nhăn nheo. Bà cho biết mấy hôm nay nhức mỏi và ho, rồi lần trong túi áo ra một gói thuốc. Tôi giở ra thì thấy chỉ có mấy viên dầu cá bổ mắt. Tôi đi bộ ra tiệm thuốc tây gần đó mua cho bà một tuần lễ thuốc. Bà tên là Lê thị Đặng, 72 tuổi, nhà ở Dương Tơ, làm nghề này từ hai mươi năm nay. Bữa nào bán được hàng thì kiếm khoảng 70-80K. Còn bữa nào ế thì không đủ trả tiền xe ôm. Con cháu cũng đông nhưng đều nghèo khó.
Bà Lê thị Đặng, 70 tuổi.


 Ngồi chuyện vãn được mươi phút thì có một phụ nữ hớt ha hớt hải chạy đến hỏi tôi có phải là BS không ? Tôi đáp là đúng rồi, sao cô biết. Cô ta trả lời : “Em đi mua thuốc tây, ông bán thuốc nói có BS trên thành phố xuống vừa ghé mua thuốc. Ổng mới đi chắc chạy ra cầu. Em nghe vậy rượt theo nhờ BS coi bệnh giùm em”. Tôi hỏi bệnh và cho cô ấy một toa thuốc. Cô tâm sự nhiều khi bệnh mà không biết bệnh gì, BS tại địa phương trị không hết, nhà lại nghèo không có tiền lên thành phố nên đành chịu ! Cô ấy đi khỏi, tôi lại trò chuyện với bà cụ. Bả nói nhiều người chụp hình tui lắm nhưng hổng thấy ai gủi cho tấm hình nào ! Tôi hứa với bà là tôi sẽ gủi hình ra bằng đường bưu điện. Nhưng khi hỏi địa chỉ thì bà nói nhà bà đâu có số nhà. Tôi phải đi qua quán nước bên kia đường xin phép mượn địa chỉ để gủi thư.
          Sau cùng tôi lại lang thang một vòng vào khu ‘chợ cá’ , những con cá với thân hình cân đối thuôn dài, da và vảy ánh xanh bạc lấp lánh là những tạo vật rất đẹp.




Các bạn hàng nhanh chóng chuyển cá mới đánh được từ ghe thuyền lên chợ

Một vài hình ảnh khác tại khu chợ quê hương



Đầu cầu bên kia cũng có một hàng bán thuốc nam- bà cụ nay đã có 'cạnh tranh' !

Ghé thăm một xưởng sản xuất nước mắm
 

          Sau khi dùng cơm trưa, cả đoàn lại lên máy bay trở về thành phố. Chắc hẳn ai cũng có những kỷ niệm đẹp để mang theo ngoài những món quà đậm đà hương vị đảo ngọc.

Nụ cười tạm biệt

1 comment:

  1. Hôm nay ghé thăm nhà mới của anh. Hoành tráng quá .... em thì phải mất một thời gian mới làm xong! Cám ơn anh Andro

    anhoang365

    ReplyDelete